leftcenterrightdel

Thanh niên A Lưới và Đồn Biên phòng Hồng Vân hỗ trợ con giống cho người dân. Ảnh: Q. Anh

1. Những phong trào: “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Vì môi trường xanh”… đang thu hút lực lượng trẻ tham gia với tinh thần cống hiến hết mình vì sự nghiệp chung. Nhiều tấm gương lập nghiệp thành công, nhiều thanh, thiếu niên đã mang vinh quang về cho Tổ quốc trong nhiều lĩnh vực khác nhau là điểm sáng hình thành một thế hệ thanh niên đi đầu trong nhiều lĩnh vực. Nhiều cán bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên có nhận thức chính trị, lý tưởng, dám đương đầu với thử thách, khó khăn để góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.

Thế nhưng, nhìn thẳng vào thực tế thì mặt bằng chung tỷ lệ đoàn viên, thanh niên phấn đấu vào Đảng còn khiêm tốn, nhất là ở cấp cơ sở, nông thôn. Từ đó, đặt ra nhiệm vụ thu hút lớp trẻ phấn đấu vì lý tưởng, đứng vào trong hàng ngũ của Đảng là yêu cầu đặt ra cấp thiết, cần được chú ý từ cấp ủy Đảng, tổ chức Đoàn và từ nguyện vọng tự giác, có trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên. Nếu chậm vận động, xúc tiến sẽ thiếu hụt lực lượng kế cận, thiếu sót rất lớn.

Trong thực tế vẫn còn một bộ phận thanh, thiếu niên chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm đối với đất nước và xã hội. Điều đó cũng phản ánh một thực trạng hoạt động của Đoàn còn có “giới hạn”, “khoảng cách” và chưa theo kịp xu hướng.

Một bộ phận thanh niên có ngại dấn thân, sống thiếu lý tưởng, tình trạng không chịu phấn đấu cho phát triển chung là đáng lo ngại trong một bộ phận tuổi trẻ. Số thanh niên không chịu học tập, rèn luyện, chạy theo thị hiếu ngoại lai không phù hợp với phong tục, văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhiều xu hướng sinh hoạt thiếu lành mạnh trong đời sống, sinh hoạt theo kiểu hưởng thụ, đua đòi lố lăng, sống “bất cần đời” xuất hiện ở những môi trường thiếu lành mạnh.

Xu hướng “quan tâm vật chất”, thu vén cá nhân, sống vì mình đang tiêm nhiễm vào bộ phận thanh niên thiếu ý chí. Hiện tượng tụ tập đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, mang theo vũ khí ngang nhiên “thanh toán” nhau trên trên đường phố hay như vụ a dua tham gia vụ gây rối, bạo loạn ở Bình Thuận (năm 2017)…là những ví dụ điển hình như thế. Đặc biệt nghiêm trọng hơn, tỷ lệ thanh niên vi phạm pháp luật, tham gia vào tệ nạn xã hội bị xử lý khi tuổi đời còn rất trẻ. Đó là những hiện tượng đáng báo động cần phải được từng bước loại bỏ.

Nguyên nhân của tình trạng trên là một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng đến từ nhiều phía. Đó là từ gia đình, môi trường xã hội, đặc biệt là mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ từ truyền thông mạng xã hội. Tình trạng “khô Đoàn” dẫn đến “nhạt Đảng” trong một bộ phận giới trẻ đã để lại nhiều hệ lụy, trước hết là phai nhạt lý tưởng cách mạng, lý tưởng phấn đấu vươn lên.

Từ nhận thức lệch lạc đó dẫn đến hoài nghi, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận đường lối của Đảng. Đó là tất yếu khó tránh khỏi và là tác hại nguy hiểm nhất, vì những thanh niên thờ ơ với chính trị thường né tránh trách nhiệm của bản thân, không dám đấu tranh với những quan điểm, hành động sai trái, không chấp hành quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc. Nguy hiểm hơn, một số thanh niên khi bị đối tượng xấu kích động không đủ sức “đề kháng” dễ bị lôi kéo vào các tổ chức phản động, tổ chức trái phép, những hoạt động chống Đảng và chế độ.

2. Theo số liệu Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam, nước ta có hơn 22,1 triệu người trong độ tuổi thanh niên, chiếm khoảng 22,5% dân số và gần 36% lực lượng lao động. Đây là số lượng trẻ tuổi, hùng hậu, có đủ tiềm năng cho phát triển của đất nước nếu phát huy được thế mạnh. Khắc phục tình trạng “khô Đoàn”, “nhạt Đảng” thì giáo dục lý tưởng cho lớp trẻ là vấn đề cấp thiết hiện nay, khắc phục nhược điểm vốn đã len lỏi, tiêm nhiễm nhiều vào thanh niên. Nhanh chóng vận động thanh niên đứng vào đội ngũ để gánh vác nhiệm vụ của Đảng là yêu cầu cần thiết trước mắt và lâu dài.

Các tổ chức Đoàn Thanh niên cần chủ động thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kết hợp với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, cần có giải pháp cụ thể để thanh niên thấy được Đảng là tổ chức họ có thể cống hiến và phát huy được tài năng tốt nhất. Nhiệm vụ chính trị của cấp ủy và tổ chức Đoàn chính là biết phát huy thế mạnh đó.

Tiếp tục đề cao, nhấn mạnh vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục thanh, thiếu niên. Trong đó, môi trường gia đình là nơi lan tỏa ra hơi ấm vun đắp nhân cách, có ý nghĩa trước tiên trong việc hình thành lý tưởng, nuôi dưỡng tâm hồn cao đẹp, sống có niềm tin. Kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi lệch chuẩn, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đặc biệt, cần có cơ chế, biện pháp kiểm soát một cách hiệu quả các trang mạng xã hội xấu, độc để giới trẻ không bị lôi kéo, mua chuộc, đua đòi, kích động vi phạm pháp luật.

Hơn lúc nào hết, việc củng cố niềm tin, hun đắp lý tưởng cho tuổi trẻ là nhiệm vụ quan trọng. Vận động sớm đưa vào hàng ngũ của Đảng những đoàn viên, thanh niên ưu tú không chỉ góp phần khắc phục bệnh “nhạt Đảng”, “khô Đoàn” mà còn tạo ra nguồn nhân lực lớn đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

NGUYỄN AN HÒA