Phụ huynh vẫn chuộng nhóm nhà trẻ độc lập |
Hoạt động khi chưa có giấy phép
Trong vai phụ huynh có nhu cầu xin gửi trẻ, tôi đến cơ sở giữ trẻ mầm non M&B ở đường T.Q.K (TP. Huế). Cô chủ chừng ngoài 30 tuổi niềm nở khi nghe tôi trình bày nguyện vọng. Trong căn nhà khoảng chừng 100m2, được ngăn thành nhiều phòng, trong đó, phòng trước tầm 30m2 là nơi sinh hoạt của 9 cháu có độ tuổi từ 12 tháng đến 36 tháng tuổi. Đứa nhỏ được chị chủ bế trên tay, còn đứa lớn thì tự ngồi chơi dưới sàn nhà. Câu chuyện giữa chúng tôi cứ bị ngắt quãng khi bọn trẻ giành nhau đồ chơi rồi khóc um cả lên.
Quan sát trong phòng, tôi thấy ổ cắm điện được bắt khá thấp. Bọn trẻ hầu như chẳng có đồ chơi, chỉ có mấy thanh nhựa dài nằm vung vãi dưới đất. Thật ái ngại khi cô chủ quản lý đến gần chục đứa nhỏ mà không có người trợ giúp. Cô thủ thỉ, học đại học xong thì mở cơ sở mầm non để nhận giữ trẻ. Phụ huynh đến gửi đông lắm, nhưng tôi không có khả năng đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng các tiêu chuẩn mà chính quyền địa phương yêu cầu nên đăng ký nhóm giữ trẻ không quá 7 em để yên tâm làm việc. Phụ huynh ở đây chủ yếu là dân lao động nghèo, có tháng mẹ không có việc làm, ở nhà giữ con thì chỉ đi học được 10 - 15 ngày nên khó có kinh phí để thuê thêm người giữ.
Đến một cơ sở P.Đ ở đường N.V.L, đang nhận giữ 25 cháu. Đồ chơi của các em chủ yếu là ô tô, đồ lắp ghép, nghèo nàn, cũ kỹ bày biện tràn lan ra nhà. Bếp ăn, phòng học, chỗ rửa tay của các bé cũng nằm chung trong diện tích nhỏ hẹp. Nhà vệ sinh nằm sát phòng chơi của các bé bốc lên mùi hôi. Tôi giở tủ lạnh đặt ngay phòng bếp. Đáng lo, thức ăn đông cứng và theo chị chủ, cơ sở sử dụng thực phẩm đông lạnh khi chế biến cho trẻ. Tôi tỏ ý muốn xem lưu mẫu thức ăn và hợp đồng thực phẩm của đơn vị với các cơ sở uy tín, nhưng chị chủ lắc đầu, đi chợ một lần để tủ lạnh rồi chế biến cả tuần (!).
Chị N.T.P.Đ, chủ cơ sở giãi bày, cơ sở hoạt động được 3 năm nhưng vẫn chưa được cấp giấy phép, do khó đáp ứng các tiêu chí liên quan đến cơ sở vật chất. Nhiều đoàn đến kiểm tra và chúng tôi cố gắng trong vòng 10 ngày sẽ khắc phục. Tuy nhiên, cơ sở có 3 giáo viên thì có đến hai người có bằng đại học ngoại ngữ và ngữ văn, trong khi tiêu chí giáo viên đứng lớp phải có bằng cao đẳng chuyên ngành mầm trở lên thì thực sự không thể tuyển ngay được.
TP. Huế có 67 trường mầm non công lập và tư thục, 168 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Thật ngạc nhiên khi được biết, ngoại trừ 63 cơ sở được UBND phường cấp phép hoạt động, 70 nhóm trẻ có quy mô tối đa 7 trẻ thì vẫn còn 35 cơ sở vẫn chưa được cấp giấy phép hoạt động.
Bà Bùi Thị Kim Khuyên, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Sơ cho biết: Toàn phường có 2 cơ sở mầm non khá lớn và khang trang, nhưng người dân vẫn muốn gửi con tại nhóm trẻ gia đình, nhất là người dân lao động. Phụ huynh chuộng loại hình mầm non độc lập, do họ có thể linh động đón muộn hoặc gửi con vào những ngày nghỉ cuối tuần khi tăng ca, bận việc...
Điểm cộng của nhóm GDMN độc lập là có thể trả học phí theo ngày, từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng/em/ngày. Ở những cơ sở mầm non chất lượng hơn khi có mức học phí tầm 3,8 đến 4,5 triệu đồng/tháng. Phụ huynh dường như không quan tâm đến chuyện cơ sở đã được cấp phép hay chưa, miễn con có chỗ học rộng rãi, thoáng mát và ít cháu.
Không thể chủ quan
Theo khảo sát của chúng tôi, ngoài các cơ sở GDMN độc lập được chính quyền địa phương quản lý thì vẫn còn khá nhiều cơ sở nhỏ lẻ, giữ trẻ theo nhóm trẻ gia đình rất khó quản lý. Ngay con số 70 nhóm trẻ quy mô tối đa giữ 7 trẻ mà các cơ sở đăng ký thường vượt hơn rất nhiều. Mới đây, theo đoàn kiểm tra liên ngành đến một số cơ sở ở Huế, thì có một số cơ sở được kiểm tra lần 2 nhưng vẫn chưa khắc phục được những tồn tại mà đoàn đã chỉ ra trước đó, nên ngành chức năng rất khó cấp giấy phép.
Nghị định số 46/2017/NĐ-CP đã có quy định cụ thể về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, theo báo cáo của Phòng GD&ĐT TP. Huế, các cơ sở GDMN độc lập chưa được UBND phường, xã cấp phép hoạt động do chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất như không có sân chơi cho trẻ, phòng học nhỏ, thiếu ánh sáng, nhà vệ sinh, nhà bếp không đảm bảo theo quy định, chưa đảm bảo điều kiện phòng cháy, chữa cháy, thiếu thiết bị đồ dùng, đồ chơi nên ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động cho trẻ. Các nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa 7 trẻ có phòng học chưa đúng theo quy định, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn... Chưa kể, chất lượng giáo dục cho trẻ cũng đáng ngại, khi có đến 122/367 người trực tiếp chăm trẻ ở các nhóm GDMN độc lập vẫn chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019, chiếm (33,3%) .
Theo quy định, cấp xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ quản lý, cấp phép hoạt động cho các nhóm trẻ GDMN độc lập. Các ngành mầm non trên địa bàn muốn hỗ trợ chuyên môn cho các nhóm GDMN độc lập nhưng khó thực hiện, khi giáo viên ở các nhóm này thường xuyên biến động, lại không tham gia sinh hoạt ở các trường... Những năm trước đây, ở các phường Thuận Lộc, An Đông, Tây Lộc, Phú Bình và Phú Hòa (TP. Huế)... một số cơ sở đã bị đóng cửa khi không đảm bảo các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa cương quyết trong việc xử lý, dẫn đến tình trạng cơ sở hoạt động kéo dài hàng năm trời trong tình trạng không có giấy phép.
Bà Hồ Thị Ngọc Như, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (TP. Huế) cho hay: Phòng sẽ chỉ đạo các trường mầm non công lập phối hợp với UBND các phường, xã kiểm tra, giúp đỡ các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ. Những nhóm trẻ, lớp mẫu giáo đủ điều kiện nên tư vấn các chủ nhóm làm thủ tục đăng ký thành lập nhóm trẻ theo đúng quy định. Kiên quyết đóng cửa các nhóm, lớp không đủ điều kiện và vi phạm các quy định của điều lệ trường mầm non.
Từ vụ cháu bé 17 tháng tuổi ở Hà Nội tử vong sau khi được gửi tại một cơ sở trông trẻ trên địa bàn, cảnh báo phụ huynh không thể chủ quan đối với các cơ sở GDMN độc lập chưa được cấp giấy phép. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng!