Chị em phụ nữ phường Tây Lộc (TP Huế) tuyên truyền công tác chăm sóc sực khỏe sinh sản, góp phần xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc

Tổ 12, phường Vĩnh Ninh (TP Huế) là khu dân cư có nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Những năm gần đây, nhờ sự tích cực của đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số, nên tổ 12 luôn giữ được danh hiệu: “Tổ dân phố sinh đẻ có kế hoạch”. Có được kết quả đó, phải kể đến công sức của chị Hiền, trú tại tổ 12, là tuyên truyền viên dân số tích cực. Theo chị Hiền để làm tốt hơn công việc của một tuyên truyền viên, ngoài sự gần gũi, lắng nghe, chia sẻ với mọi người, còn cần phải có kiến thức liên quan đến dân số kế hoạch hóa gia đình. Chị đã không ngừng học hỏi thêm kinh nghiệm của những người đi trước, kết hợp với việc đọc sách báo, nghe đài về vấn đề dân số. Chị Hiền nói trong cặp đi làm của tui lúc nào cũng có bao cao su, thuốc tránh thai. Gặp ai tui cũng tuyên truyền về sinh đẻ có kế hoạch, phát bao cao su, tư vấn về các biện pháp tránh thai đúng và phù hợp với đối tượng, lứa tuổi. Ngoài ra, tui còn tham gia tuyên truyền đề án kiểm soát dân số các vùng biển, ven biển, đầm phá, vạn đò, cửa sông tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2009-2020”.

Dẫn chúng tôi đi trên những tuyến đường liên thôn, liên xóm thông thoáng, sạch đẹp, Chủ tịch UBND xã Phong Hiền (Phong Điền) Trần Đức Thiện khoe: “Biết đất đai là tài sản quý, nhưng nhiều hộ dân đã không ngần ngại hiến hàng trăm mét vuông đất để cùng với chính quyền địa phương mở rộng các tuyến đường. Cái hay là hầu hết bà con hiến đất mà không đòi hỏi bất cứ một quyền lợi gì. Ai cũng hiểu rằng, đường sá thông thoáng, sẽ góp phần không nhỏ để nhà cửa, làng quê mình sáng đẹp lên. Được vậy chính là nhờ vào đội ngũ cán bộ, đảng viên đã luôn bám sát, gần gũi với Nhân dân để tuyên truyền, vận động”.
Bà Đoàn Thị Thanh Huyền, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định: “Với tinh thần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên, khâu báo cáo, truyền đạt thông tin và giao ban công tác tư tưởng là vấn đề then chốt. Thông tin hai chiều theo hướng dân chủ hóa và tăng cường đối thoại là phương thức để đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung và phương thức hoạt động tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên từ tỉnh đến cơ sở. Qua đó, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng của các tầng lớp Nhân dân, sớm giải đáp những thắc mắc mà dư luận xã hội quan tâm”.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, cùng với việc thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên, cần tăng cường sử dụng công nghệ thông tin và các thiết bị nghe để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng. Các chuyên đề thông tin định kỳ cần đi vào trọng tâm, tính thời sự nóng bỏng, cấp thiết, giúp đội ngũ báo cáo viên có thông tin tư liệu mới để kịp thời tuyên truyền ở cơ sở.
Bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, đó là, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy và thủ trưởng cơ quan phải được đặt lên hàng đầu. Tất cả các đảng viên hoạt động trên mọi lĩnh vực đều làm nhiệm vụ tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho quần chúng Nhân dân ở nơi công tác và cư trú, chứ không chỉ là nhiệm vụ của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đây được xem là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá tính tiên phong, gương mẫu và phẩm chất chính trị của người đảng viên. Ngoài ra, cần quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn và phát triển đội ngũ báo cáo viên các cấp, vừa đảm bảo về số lượng vừa nâng cao chất lượng trong tình hình mới. Từ đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên, đáp ứng yêu cầu kịp thời, chính xác, nâng cao tính chiến đấu trong hoạt động tuyên truyền miệng...
Bài, ảnh: Anh Phong