Buồn lo muôn ngả

Dòng tin “Bệnh viện ung bướu lớn nhất phía nam kín bệnh nhân” càng khiến ông Lê P. (phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) thêm bồn chồn, nóng ruột. Thời điểm này, ông cũng đang thu xếp việc nhà để có thể vào TP. Hồ Chí Minh động viên vợ chồng cô em gái út, vì em rể ông vừa có kết quả khám bệnh ung thư dạ dày vào tuần trước. Cả đại gia đình ông, từ Bắc đến Nam đều đang rối bời trước “án K” của người nhà. Ông P. buồn buồn: “Tính từ năm 2004 – khi cha ruột tôi mất vì ung thư phế quản, đến nay trong nhà đã có thêm 4 người ra đi vì K, 2 em ruột và em dâu, em rể. Chỉ có cha tôi là mất khi đã hơn 70 tuổi, còn các em thì chưa ai kịp qua 60. Chừ thêm em rể út nữa, không biết có kéo dài được lâu không…”, ông P. bỏ lửng câu nói và ngoảnh đi, như cố giấu luồng hơi đang nghẹn cứng.

Cùng bạn hưu với ông P., ông Đào Hữu A. đến hỏi thăm chuyện gia đình của bạn, nhưng tâm trạng cũng không khác hơn là mấy. Trong 3 người con gái của ông A., người con gái vừa chớm tuổi 40 cũng vừa cắt bỏ một bên vú do K. Con gái phát hiện tình trạng bệnh ở giai đoạn sớm, nhưng ông A. cũng không yên tâm: “Biết là bệnh ni nếu phát hiện sớm thì cơ hội chữa khỏi cao hơn nhiều, nhưng vẫn là K. Hắn xuất hiện nghĩa là đã bất thường rồi. Vợ chồng tui lo đến mất ăn, mất ngủ nhưng không dám để lộ ra mặt, sợ con buồn, lại mất tinh thần”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), so với năm 2018, tỷ lệ người mắc ung thư mới của Việt Nam năm 2020 đã tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia); tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia). Riêng tại Bệnh viện Trung ương Huế, số lượt bệnh nhân ung thư vào điều trị tại đây tăng qua từng năm, mức tăng từ 30-45%. Các loại ung thư thường gặp nhất là ung thư phổi, gan, đại trực tràng, vú, thực quản, dạ dày, các ung thư đầu - cổ. Quy mô 500 giường bệnh, nhưng Trung tâm Ung Bướu thường xuyên kín chỗ.

Điều đáng nói, ung thư là bệnh hiểm nghèo. Khi mắc bệnh, không những bản thân người bệnh phải chịu đau đớn về thân thể mà đi kèm theo đó là quá trình điều trị phức tạp, và là gánh nặng rất lớn về kinh tế. Năm 2012, một thống kê của Việt Nam cho thấy, tổng gánh nặng kinh tế của 6 bệnh ung thư là 25.789 tỷ đồng, chiếm 0,22% GDP trong năm. Trong đó, ung thư vú hết hơn 9.000 tỷ đồng, ung thư đại trực tràng hết 8.573 tỷ đồng, ung thư dạ dày là 5.667 tỷ đồng, tiếp đến là các loại ung thư gan, ung thư cổ tử cung, ung thư khoang miệng… Nhiều gia đình kiên trì “còn nước còn tát”. Nhưng cuối cùng, người mất, tài sản cũng không còn, thậm chí còn trở nên “nợ sâu” bất cứ kênh nào đã có thể bấu víu.

Thuốc lá - Thủ phạm “bền bỉ”

Theo các chuyên gia y tế, ung thư là bệnh lý gây nên bởi 2 nhóm yếu tố chủ yếu, gồm: Yếu tố thay đổi được (như hành vi lối sống, môi trường...) và yếu tố không thay đổi được (tuổi, gen…). Trong đó, những yếu tố về hành vi lối sống có hại cho sức khỏe, có liên quan đến ung thư trước tiên cần kể đến là hút thuốc lá và lạm dụng bia rượu. Các nghiên cứu khoa học đã công bố chỉ rõ, thuốc lá là nguyên nhân của 30% các loại ung thư, là thủ phạm gây ra 20 loại ung thư khác nhau và 90% nguyên nhân của ung thư phổi. Còn việc lạm dụng rượu bia là nguyên nhân gây ra các loại ung thư như ung thư miệng, họng; ung thư gan; ung thư vú, ung thư đại trực tràng...

Tại một hội nghị khoa học phòng, chống ung thư thường niên của Bệnh viện Trung ương Huế, GS.TS.BS. Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, đã truyền cảm hứng phòng, tránh ung thư bằng những câu thơ dễ hiểu: “Ung thư biết sớm trị lành/Nếu mà để trễ dễ thành nan y”. GS.TS.BS. Nguyễn Chấn Hùng cũng thông tin thêm, hiện Hiệp hội Quốc tế chống ung thư cho biết có đến 40% bệnh ung thư có thể phòng tránh được. Và để tránh được, việc quan trọng đầu tiên là hãy tránh xa khói thuốc lá và tránh hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi, vòm miệng, họng, thanh quản, thực quản, thận, bàng quang, tá tràng, tử cung, dạ dày, ruột già và hậu môn, gan... Ông Hùng dẫn ra một số liệu cho thấy, ở nước ta hiện nay ung thư da, phổi, tuyến vú là nhiều nhất. Khói thuốc là “sát thủ” của loài người về bệnh ung thư. Bởi vậy, ông nhắn nhủ một cách hóm hỉnh: “Bạn ơi hút thuốc hại mình/Vợ con hút ké, cả nhà bệnh luôn”.

Năm 2008, Liên minh Kiểm soát Ung thư Quốc tế có sáng kiến lấy ngày 4/2 hàng năm làm Ngày Thế giới phòng chống ung thư. Các hoạt động được tổ chức để kỷ niệm ngày này nhằm truyền cảm ứng về bệnh ung thư và hành động trong việc ngăn ngừa, phát hiện và điều trị bệnh tốt hơn. Qua đó, kêu gọi mọi người dân tham gia định kỳ khám sàng lọc để sớm phát hiện ung thư, chữa bệnh dễ dàng hơn và giảm khả năng tử vong do ung thư.

“Hãy luôn dành thời gian để kết nối với những người thân yêu của chúng ta, những người đã chạm vào chữ K. Và tất cả chúng ta đều có trách nhiệm giảm ảnh hưởng xấu của bệnh này trên toàn thế giới” – Đó là thông điệp bền bỉ được Tổ chức Y tế thế giới  khuyến cáo qua mỗi kỳ Ngày Thế giới phòng, chống ung thư hàng năm.

ĐỒNG VĂN