Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nói gì?
Theo ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (SLĐTBVXH) và báo cáo số 1001 ngày 7-8-2009 của SLĐTBVXH gửi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thì: ông Nguyễn Văn Cường có ông, bà nội Nguyễn Văn Bằng, (Nguyễn Văn Vằng - PV) Nguyễn Thị Tải (đã chết) được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, mẹ là Nguyễn Thị Tâm (đã chết) được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, có hai chú ruột Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Tường là liệt sĩ. Hiện, gia đình ông Nguyễn Văn Cường (cháu đích tôn) đang thờ cúng ông bà nội, bố mẹ và hai liệt sĩ như vừa nêu trên. Nhà ông Nguyễn Văn Cường hiện tại là nhà ba gian, diện tích 48m2, mái lợp ngói xi măng, xung quanh gỗ, trụ bê tông, nền tráng xi măng. Ông Cường hiện làm nghề thợ mộc tại nhà. Năm 2002, bị tai nạn lao động, đòn tay đánh vào đầu nên bị động kinh, có lúc không tỉnh táo; vợ là giáo viên Trường tiểu học số 1 Phong Chương và 3 con, hiện đang sống ly thân. Năm 2009, vợ ông Cường đã có nhà riêng do Công đoàn giáo dục huyện hỗ trợ 13 triệu đồng xây dựng “Nhà mái ấm Công đoàn”. Bản thân ông Cường được hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ, mức trợ cấp 120.000đ/tháng.
Ngôi nhà ông Cường đã hư hỏng nặng
Sau khi kiểm tra thực tế, SLĐTB&XH, Phòng LĐTB&XH huyện Phong Điền và lãnh đạo xã Phong Chương có cuộc họp, thống nhất những nội dung cụ thể như sau: Gia đình ông Nguyễn Văn Cường là gia đình có ông, bà nội, mẹ có công giúp đỡ cách mạng và hai chú ruột là liệt sĩ, hiện ông Cường đang thờ cúng. Tuy nhiên, ông Cường không phải đối tượng trực tiếp có công với cách mạng và không phải thân nhân chủ yếu của hai liệt sĩ theo quy định của Nhà nước. Mặt khác, xã Phong Chương, huyện Phong Điền vẫn còn các gia đình chính sách, gia đình trực tiếp có công với cách mạng, nhưng nhà cửa vẫn còn khó khăn, chưa giải quyết được. Do vậy, nếu giải quyết xây dựng “nhà tình nghĩa” cho ông Nguyễn Văn Cường thì sẽ khó khăn cho địa phương sau này. Sở LĐTB&XH, Phòng LĐTB&XH huyện và lãnh đạo xã thống nhất hướng giải quyết là địa phương sẽ đưa vào diện hỗ trợ xây dựng nhà theo Quyết định số 167/QĐ-TTg trong năm 2010.
Cần sớm giải quyết để nơi thờ cúng liệt sĩ được ấm áp
Các liệt sĩ Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Văn Tường hy sinh khi chưa có vợ con, vậy nên thân nhân “chủ yếu” của các anh là cha mẹ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Vằng, bà Nguyễn Thị Tải đều đã chết, ngôi nhà của các cụ đã sụp đổ, không còn nữa. Ông Nguyễn Văn Cường là “người thừa kế của các liệt sĩ, giữ Bằng Tổ quốc ghi công”, tiếp tục thay cha mẹ, ông bà thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng, thờ cúng hương hồn các liệt sĩ trong ngôi nhà của mình, là phù hợp với qui định của Nhà nước tại điểm đ, khoản 2 điều 14 Pháp lệnh Qui định danh hiệu vinh dự Nhà nước; phù hợp với Điều 5, Điều 6 của Nghị định 54/2006/NĐ-CP ngày 26-5-2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh và phù hợp với Điều 676 của Bộ luật dân sự qui định hàng thừa kế theo pháp luật. Mặt khác, trên thực tế, ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Cường (hiện đang thờ cúng các liệt sĩ và những người có công với cách mạng) đã hư hỏng nặng. Đòn tay, rui, mè đều bằng tre trong vườn. Những tấm tôn rét rỉ thủng lỗ chỗ, chái hai bên hồi nhà bằng tôn (đã rách). Những tấm phên bằng tre đã mục nát, (chỉ 4 cột hiên nhà chịu nhiều mưa nắng, ông Cường dựng cột bê tông, chứ không phải toàn bộ trụ đúc bê tông). Với thực trạng trên, chỉ cần một cơn mưa không lớn cũng đủ làm ướt phía trong ngôi nhà nói gì có thể chống đỡ được những trận mưa lớn hoặc bão, gió lốc... Ông Cường có đơn xin cứu xét, xin cấp nhà tình nghĩa, hoặc kinh phí để tu sửa căn nhà đã hư hỏng nặng như nêu trên, để thuận lợi trong việc thờ cúng các liệt sĩ, là một điều chính đáng, bức bách.
Cụ Nguyễn Văn Vằng, Nguyễn Thị Tải cùng ba con đều hoạt động cách mạng, được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến, trong đó có 2 con là liệt sỹ, nay đều đã chết. Cụ ông (mất 1985) cụ bà (mất 1981), chưa được hưởng chính sách ưu đãi gì theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2006/PL-UBTUQH11, ngày 29-6-2005 của Nhà nước. Nay ông Nguyễn Văn Cường, người giữ bằng “Tổ quốc ghi công”, thờ cúng liệt sĩ, người có công với cách mạng, có đơn đề nghị được Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí, xây dựng nhà tình nghĩa. UBND các cấp, Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế và phòng LĐTB&XH huyện Phong Điền sớm quan tâm giải quyết, để chính sách của Nhà nước ta đối với người có công với cách mạng và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta đi vào cuộc sống.
Theo báo cáo 1001 của Sở LĐTBVXH nêu trên, ông Cường được đưa vào diện hỗ trợ xây dựng nhà theo Quyết định 176/QĐ-TTg của Chính phủ trong năm 2010, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Giáp, Chủ tịch UBND xã Phong Chương cho biết, địa phương đã bổ sung trường hợp ông Nguyễn Văn Cường vào danh sách được hỗ trợ theo Quyết định 176 nêu trên và sẽ thực hiện hỗ trợ trong năm 2011 với số tiền 8.400.000đ do Nhà nước hỗ trợ, 3 triệu đồng do Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh hỗ trợ và 8 triệu đồng do Nhà nước cho vay để tu sửa, xây dựng nhà.
Bài, ảnh:Quỳnh Anh