Vinh Hiền được công nhận đô thị loại V sẽ tạo cho địa phương thế và lực mới |
Đảm bảo hạ tầng đồng bộ
Ông Phan Công Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, đô thị mới Vinh Hiền được công nhận đô thị loại V tạo cho địa phương thế và lực mới trong xu thế hội nhập, nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phú Lộc nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung; góp phần nâng tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 62-65% (theo Quyết định số 1261/QĐ-UBND ngày 27/5/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030).
Thời gian qua, UBND xã Vinh Hiền đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, thương mại sát với thực tế, góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa trên địa bàn, trong đó, đặc biệt ưu tiên đảm bảo phát triển hạ tầng đồng bộ. Cơ sở hạ tầng ở Vinh Hiền, nhất là khu vực trung tâm phát triển vượt bậc. Có năm, Vinh Hiền có tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 117 tỷ đồng. Địa phương cũng ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, thu hút người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ trên tuyến QL 49B và Tỉnh lộ 21 đi qua.
Các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị được đẩy mạnh đã mở ra điều kiện kinh doanh thuận lợi trong khu vực trung tâm xã Vinh Hiền. Hoạt động dịch vụ, thương mại phát triển mạnh, tỷ lệ hộ gia đình tham gia kinh doanh các loại hình thương mạ chiếm hơn 40%. Cùng đó, hàng chục cơ sở tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và các ngành nghề có chiều hướng phát triển mạnh. Với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng “dịch vụ - nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp” theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng bộ xã Vinh Hiền đã xác định, đến nay nền kinh tế xã Vinh Hiền đang chuyển dịch đúng hướng; trong đó, dịch vụ chiếm 41,3%, nông nghiệp chiếm 31,3%, TTCN chiếm 27,4%.
Mô hình đô thị sinh thái
Ông Nguyễn Tam, Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền cho biết, đô thị mới Vinh Hiền được quy hoạch xây dựng từng bước đạt tiêu chí đô thị loại V, trở thành thị trấn trung tâm tiểu vùng, có chức năng là trung tâm thương mại, du lịch, cầu nối giao lưu hàng hóa giữa các xã ven biển với các trọng điểm kinh tế trên địa bàn huyện Phú Lộc. Đây đồng thời là đô thị phát triển theo mô hình đô thị sinh thái, gắn với phát triển các ngành nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản, hậu cần nghề cá và phát triển dịch vụ du lịch biển, đầm phá…
Tuy mới phát triển dưới hình thức hộ gia đình, quy mô nhỏ nhưng ngành du lịch cho thấy có nhiều tiềm năng, thu hút khá đông về lượng khách, hằng năm có khoảng 1 vạn lượt khách đến tham quan trên địa bàn. Chưa có “thương hiệu” như biển Lăng Cô, Cảnh Dương hay Thuận An, nhưng có thể nói bãi biển Hàm Rồng thuộc xã Vinh Hiền là một địa chỉ mà nếu du khách đã một lần đến đều mong có dịp trở lại... Được quan tâm đầu tư, nhiều dịch vụ phục vụ khách ở biển Hàm Rồng được nâng cấp, đầu tư, như nhà trọ nghỉ qua đêm, hàng quán ẩm thực với các món ăn đặc sản biển ở địa phương bình dân. Gần đây, cảnh quan môi trường và con đường từ trung tâm nối ra biển và các tuyến ven biển rợp bóng dương đã thông thoáng, sạch sẽ; công tác an ninh, an toàn ở khu vực biển, bãi tắm được chú trọng.
Với mức đầu tư 148 tỷ đồng, dự án Cảng cá Tư Hiền kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang được chủ đầu tư, nhà thầu thi công tăng cường nhân lực, vật lực... đảm bảo tiến độ công trình đã đề ra. Hoạt động dịch vụ tại cảng cá Tư Hiền hoạt động đạt hiệu quả, mở ra hướng phát triển loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá có giá trị gia tăng lớn; đồng thời, có nhiều tiềm năng khai thác như đầu tư xây dựng hệ thống xăng dầu phục vụ ngư dân, dịch vụ thu mua thủy, hải sản... Bên cạnh đó, dịch vụ vận tải hành khách tăng nhanh, phát triển các tuyến xe khách Vinh Hiền - TP. Hồ Chí Minh; tuyến xe bus, xe khách Vinh Hiền - Huế cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân. Mạng lưới chợ tiếp tục được phát triển hoàn thiện theo quy hoạch.
Theo ông Nguyễn Tam, trở thành đô thị loại V, Vinh Hiền tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ theo hướng tạo bước đột phá, là ngành kinh tế mũi nhọn, động lực chính thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển TTCN, thương mại, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến nông, thủy sản... để thu hút nguồn lực. Tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và huyện hỗ trợ để đầu tư các dự án, các công trình trọng điểm có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của xã.