Diễn đàn có sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương (thứ 4 từ phải sang) tham dự phiên thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: Báo Nhân dân

Bắt nhịp với xu thế phát triển bền vững

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam nêu rõ, phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn.

Việt Nam đang tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đạt trung bình khoảng 38%/năm. Năm 2022, giá trị kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 23 tỷ USD.

Những kết quả trên đã đưa Việt Nam trở thành nước có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh thứ hai thế giới và tốc độ phát triển thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo dự báo của Google và Temasek, giá trị kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD vào năm 2025 và 120-200 tỷ USD vào năm 2030.

Tham dự phiên thảo luận tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nhấn mạnh về mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời khẳng định sự phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp sạch, phát triển đô thị thông minh và bền vững góp phần không nhỏ vào thành công chung.

Ông Phan Quý Phương cho biết, năm 2015, UBND tỉnh ban hành kế hoạch nhằm hiện thực hóa tầm nhìn thành phố xanh trong khuôn khổ thực hiện sự hợp tác giữa Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và UBND tỉnh; xây dựng Huế thành một đô thị xanh, phát triển bền vững đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên đặc biệt là trùng tu khu Kinh thành Huế; tạo ra mô hình phát triển mới, phù hợp với đặc điểm riêng có của thành phố Huế…

Đối với công tác chuyển đổi số, Thừa Thiên Huế tập trung xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo đó, năm 2021, Thừa Thiên Huế đứng 8/63 tỉnh, thành về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đứng đầu cả nước về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và đứng thứ 4 cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX); giữ ngôi vị thứ 2 về chỉ số chuyển đổi số (DTI),...

leftcenterrightdel
Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh đang hoạt động rất hiệu quả 

Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh 4 năm liền 2019-2022 với ứng dụng Hue-S, đạt “Giải thưởng Sao Khuê”; đặc biệt đã được vinh danh ở hạng mục "Chính phủ số" của tổ chức Công nghiệp điện toán khu vực châu Á – châu Đại Dương (ASOCIO) tại Hội nghị thượng đỉnh Công nghệ số.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Qúy Phương cũng thông tin đến diễn đàn việc tỉnh ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

“Ngoài ban hành chính sách hỗ trợ, sắp tới chúng tôi sẽ hoàn thiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ và lồng ghép vào Chương trình Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 để xây dựng thí điểm Làng nông nghiệp hữu cơ”, ông Phan Qúy Phương nhấn mạnh; đồng thời khằng định, với Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, toàn bộ tỉnh sẽ được quy hoạch và đầu tư xây dựng như là một chỉnh thể đô thị, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với định hướng phát triển về lâu dài là “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh” - Đây là đòn bẩy để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.

AmCham đề xuất 4 hoạt động trong năm 2023

Sau khi kết thúc Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương có buổi làm việc với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham). Tại đây, hai bên thông tin về những hoạt động của Amcham tại Thừa Thiên Huế.

Theo đó, năm 2022, AmCham đã phối hợp với UBND tỉnh tổ chức một số hoạt động gồm: Tổ chức hội nghị gặp gỡ Thừa Thiên Huế Xanh; tổ chức cuộc họp thường niên của AmCham Châu Á Thái Bình Dương; ký kết MOU với UBND tỉnh về việc thiết lập quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại tại Thừa Thiên Huế, năm 2023, phía AmCham đề xuất các hoạt động về các chương trình: Nâng cao năng lực vùng nhằm tháo gỡ những khó khăn của ngành điện, định hướng phát triển xanh và bền vững; nghiên cứu và ứng phó biến đổi khí hậu tại Đại học Huế; hội thảo về cơ chế thay thế điện than hướng tới zero-carbon; tổ chức các sự kiện kết nối thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển hạ tầng lưới điện cho các Khu công nghiệp và Khu kinh tế “Xanh”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương thông tin, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho AmCham triển khai các hoạt động kết nối, xúc tiến hợp tác, xúc tiến đầu tư và thương mại giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tỉnh và của Hoa Kỳ tại Việt Nam, UBND tỉnh đã có Công văn số 12367 /UBND–ĐN ngày 21/11/2022 hoan nghênh hoạt động của Amcham tại Thừa Thiên Huế.

UBND tỉnh ủng hộ, hoan nghênh Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam phối hợp triển khai chương trình hoạt động năm 2023. Các hoạt động sẽ tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại tại tỉnh theo chương trình đề xuất của AmCham.

“Đề nghị Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam tiếp tục phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan để xúc tiến việc trao đổi và cùng xây dựng các kế hoạch triển khai hoạt động hợp tác cụ thể tại tỉnh theo chương trình đề xuất”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương trao đổi. 

THỌ MINH