leftcenterrightdel
Theo đánh giá của OECD, châu Á sẽ tăng trưởng tương đối mạnh và có phục hồi ngoạn mục. Ảnh minh hoạ: Vietnamnet

“Triển vọng của chúng tôi đối với châu Á là tăng trưởng tương đối mạnh và phục hồi ngoạn mục, có thể có một số rủi ro suy giảm. Nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ dẫn đến tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở Trung Quốc, điều này sẽ có tác động tích cực trên toàn châu Á”, ông Cormann nói.

Cũng theo nhận định của OECD, triển vọng kinh tế toàn cầu mặc dù vẫn ảm đạm hơn so với trước khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng triển vọng tăng trưởng hiện đã tươi sáng hơn một chút. Được biết, phân tích mới nhất của OECD về các xu hướng chính và triển vọng kinh tế toàn cầu sắp được công bố sẽ tích cực hơn so với đánh giá trước đó vào tháng 11 năm ngoái, bất chấp những lo ngại ngày càng tăng về các vụ phá sản ngân hàng gần đây và bê bối ở Mỹ và châu Âu.

SVB phá sản gây tác động nghiêm trọng

Sự sụp đổ gần đây của 3 ngân hàng ở Mỹ và tình trạng hỗn loạn mới ở ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) một lần nữa khiến thị trường tài chính toàn cầu căng thẳng và mọi động thái đều được theo dõi chặt chẽ.

Biến động mạnh trên thị trường tài chính do tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư làm dấy lên lo ngại có thể dẫn đến khủng hoảng ngân hàng toàn cầu.

Ông Cormann cho rằng sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) vốn rất nổi tiếng là một “thất bại rất nghiêm trọng”, nhưng theo đánh giá của OECD, các hệ thống ngân hàng toàn cầu, cũng như của Mỹ, đã được vốn hóa tốt. Do đó, tình trạng hỗn loạn xung quanh SVB, Signature Bank, Silvergate Bank và Credit Suisse dự kiến sẽ không dẫn đến bất kỳ vấn đề hệ thống nào rộng lớn hơn.

leftcenterrightdel
 Ngân hàng SVB sụp đổ gây hoang mang thị trường tài chính toàn cầu. Ảnh: Reuters/Laodong

Đối phó lạm phát

Về vấn đề lạm phát, Tổng thư ký OECD cho biết lạm phát ở các nền kinh tế OECD đã tăng đều đặn kể từ đầu năm 2021, do giá năng lượng và lương thực tăng vọt.

Để đối phó, các nhà hoạch định chính sách đã hướng tới các chính sách chặt chẽ hơn, trong khi các ngân hàng trung ương trên khắp các thị trường mới nổi và các nền kinh tế tiên tiến cũng đã tăng lãi suất để kiềm chế giá cả tăng vọt.

Theo đánh giá của ông Cormann, “những hành động rất quyết đoán” mà các ngân hàng trung ương thực hiện cho đến nay là “phù hợp”, đồng thời nói thêm rằng các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục đưa ra những quyết định cứng rắn để kiểm soát lạm phát.

“Tác động của thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ bao gồm tăng trưởng và nhu cầu đều thấp hơn một chút. Nhưng chúng tôi tin rằng áp lực lạm phát sẽ giảm dần theo thời gian… Hiện tại, giá năng lượng và thực phẩm đã thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh sau khi xung đột Ukraine xảy ra”, ông nói.

Đồng thời, song song với việc hạn chế lạm phát, các nhà chức trách cần theo đuổi cải cách cơ cấu, chuyển đổi năng lượng xanh và chuyển đổi kỹ thuật số của nền kinh tế.

“Có rất nhiều rủi ro suy giảm trong nền kinh tế toàn cầu. Triển vọng kinh tế khá mong manh. Có rất nhiều thách thức trước mắt nhưng chúng ta phải tiếp tục giải quyết những vấn đề đó”, ông Cormann nhấn mạnh.

Tránh khủng hoảng nợ

Một trong những thách thức hiện nay là nguy cơ khủng hoảng nợ tiềm ẩn, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết khoảng 15% các quốc gia có thu nhập thấp đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, trong khi 45% các nước khác có nguy cơ rủi ro cao.

Do đó, ông Cormann cho rằng “sự hợp tác quốc tế tích cực” là cần thiết để tránh một cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu, với các nền kinh tế tiên tiến đi đầu.

“Đặc biệt, các quốc gia có thu nhập thấp đang chịu áp lực rất lớn do mức nợ và những gì đang xảy ra với lãi suất… Cộng đồng quốc tế, chủ yếu thông qua G20, cần tiếp tục tìm kiếm các giải pháp quốc tế hiệu quả để mang đến sự hỗ trợ cần thiết”.

Ông Cormann nói rằng trong một thế giới ngày càng chia rẽ, OECD đang tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại quốc tế toàn diện và cung cấp nền tảng để tìm ra giải pháp.

“Một trong những chương trình cải cách lớn mà chúng tôi đã theo đuổi trong thời gian gần đây là cải cách các thỏa thuận thuế quốc tế để giúp đảm bảo rằng các chính phủ trên khắp thế giới có thể tăng mức doanh thu phù hợp… Đó là một công cụ rất quan trọng cho khả năng phục hồi tài chính, bền vững tài chính và khả năng giải quyết những thách thức về nợ”, ông nói.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNA)