Thả cá thể rùa quý hiếm về tự nhiên |
Nguy cơ
Nhiều đàn chim di cư đến các lùm cây, bụi rậm, các cánh rừng ngập mặn, cánh đồng... trên địa bàn tỉnh để trú ngụ và tìm kiếm thức ăn là cơ hội đối với một số tay săn chim làm thức ăn và bán mà không biết rằng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Đặc biệt, hiện nay dịch cúm gia cầm đang diễn ra tại nhiều nước, trong đó có Campuchia có dịch lây sang người và đã có 2 trường hợp tử vong do nhiễm loại dịch cúm nguy hiểm này. Cơ quan chức năng cảnh báo, những người dân không may ăn phải thịt chim bị nhiễm dịch cúm gia cầm và một số bệnh thì nguy cơ lây nhiễm sang người rất cao.
Một bộ phận người tiêu dùng luôn cho rằng, ăn thịt thú rừng thể hiện đẳng cấp, sang trọng. Nhưng đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm, khi thú rừng tiềm ẩn nhiều loại dịch bệnh khó lường trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường diễn biến phức tạp như hiện nay. Kèm theo đó, những tay săn thú rừng thường đặt bẫy và sau nhiều ngày mới đến tháo gỡ thì thú rừng bị thối, hoặc khi săn nhiều ngày trong rừng buộc phải dùng hóa chất bảo quản là hiểm họa khôn lường, ảnh hưởng đến sức khỏe, kể cả tính mạng khi ăn phải các loại thịt độc hại này.
Cả người săn bắt lẫn tiêu thụ có thể vô tình hay cố ý mà không nghĩ đến vi phạm pháp luật trong bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm, nguy cấp, có nguy cơ vướng vào vòng lao lý. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp trong và ngoài nước vi phạm săn bắt, tiêu thụ động vật rừng quý hiếm, nguy cấp bị phạt tù. Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từng xảy ra nhiều vụ vi phạm bị phạt hành chính khá nặng, có nhiều vụ bị phạt đến hàng trăm triệu đồng do nuôi nhốt, săn bắt, tiêu thụ động vật rừng quý hiếm.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn khẳng định, số vụ vi phạm săn bắt, tiêu thụ ĐVHD trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm dần qua các năm, song hiện nay chưa có dấu hiệu chấm dứt triệt để, thậm chí có lúc vẫn còn diễn biến phức tạp. Thời gian qua, ngành kiểm lâm cùng các ban ngành chức năng, chính quyền địa phương đã kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ săn bắt, tiêu thụ ĐVHD. Trong đó, nhiều vụ bị xử phạt hành chính, một số nhà hàng tiêu thụ động vật rừng trái phép bị xử phạt đến hàng trăm triệu đồng.
Cộng đồng chung tay
Sự tham gia của cộng đồng có vai trò quan trọng trong quản lý, bảo vệ các loài ĐVHD. Các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước kêu gọi cộng đồng tham gia bảo vệ, nâng cao nhận thức về các nguy cơ liên quan đến hành vi săn bắt, tiêu thụ thịt ĐVHD nhằm giảm nhu cầu về mua bán các sản phẩm từ ĐVHD. Qua nhiều kênh, nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục, người dân từng bước nâng cao nhận thức bảo tồn, bảo vệ ĐVHD, đặc biệt là động vật quý hiếm, nguy cấp.
Ông Lê Nhân Đức, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (HKL) TP. Huế cho rằng, nhận thức bảo vệ, bảo tồn ĐVHD của người dân ngày càng nâng cao được thể hiện qua nhiều vụ tự nguyện giao nộp động vật quý hiếm với nguyện vọng thả về môi trường tự nhiên. Từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị tiếp nhận khoảng 60 cá thể ĐVHD của hơn 32 cá nhân và 4 tổ chức tự nguyện giao nộp. Tất cả cá thể đều thuộc các loài động vật quý hiếm, nguy cấp; trong đó 3 cá thể thuộc phụ lục III Cites, 21 cá thể nhóm IB, 30 cá thể nhóm IIB và 3 cá thể động vật rừng thông thường...
Căn cứ vào đặc điểm sinh thái và môi trường sống của từng loài, HKL TP. Huế phối hợp với Vườn Quốc gia Bạch Mã, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu Bảo tồn Sao La và Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền thả các cá thể nói trên về môi trường tự nhiên với sự tham gia hỗ trợ nhiệt tình của người dân, có cả các em học sinh, sư thầy… Một số trường hợp ĐVHD do lực lượng kiểm lâm, Công an TP. Huế, cán bộ công chức vận động người dân giao nộp để thả về môi trường tự nhiên.
Hiện nay, tình trạng săn bẫy chim hoang dã, chim di cư đã giảm mạnh so với các năm trước. HKL TP. Huế phối hợp với cơ quan công an và chính quyền địa phương tổ chức hàng chục đợt truy quét tại các khu vực đầm phá, đồng ruộng, các tụ điểm có nguy cơ giăng bẫy bắt chim, vận chuyển, buôn bán các loài chim trời. Theo đó, tháo gỡ, tiêu hủy 1 bẫy gắn loa phát thanh, 50 cò giả, 100 que dính keo, thả về môi trường tự nhiên 230 cá thể chim các loại.
Việc kiểm tra, xử lý các điểm mua bán, nhà hàng, điểm kinh doanh ĐVHD, chim di cư, chim cảnh cũng được HKL TP. Huế chú trọng. Qua đó xử lý 17 vụ mua bán ĐVHD, phạt tiền 12 vụ với gần 36 triệu đồng, thu giữ 487 cá thể chim các loại và 18 cá thể động vật rừng để thả về môi trường tự nhiên; tiêu hủy 20 cá thể đã chết và 1 cá thể được bàn giao cho Bảo tàng thiên nhiên duyên hải miền Trung làm mẫu vật.
Thông qua chiến dịch cam kết giảm cầu tiêu thụ ĐVHD do WWF Việt Nam triển khai từ tháng 8/2022 đến nay, HKL TP. Huế tổ chức ký cam kết đối với 160 nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố không kinh doanh, tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn thông tin, năm 2022 đến nay, các HKL sở tại phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 36 đợt ra quân xử lý nạn bẫy bắt chim trời trên địa bàn quản lý, tịch thu, tiêu hủy nhiều bẫy các loại và cứu hộ, thả 615 cá thể chim còn sống về tự nhiên. Các đơn vị kiểm lâm tiếp nhận và cứu hộ thành công 89 cá thể ĐVHD. Thông qua đường dây nóng, các đơn vị kiểm lâm tiếp nhận gần 20 cá thể ĐVHD do người dân tự nguyện giao nộp để thả về môi trường tự nhiên.