leftcenterrightdel
 

Người dân chờ lấy nước sinh hoạt tại một trại tị nạn ở Somalia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong một cuộc phỏng vấn trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về Nước của Liên Hiệp Quốc, sự kiện dự kiến sẽ được tổ chức tại New York (Mỹ) trong tuần tới, ông Johan Rockstrom, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (PIK), đồng Chủ tịch của Ủy ban Kinh tế về Nước Toàn cầu nhận định: “Chúng ta xây dựng các nền kinh tế dựa trên giả định rằng, chúng ta có thể dựa vào mưa... Thế nhưng, những gì chúng ta đang chứng kiến là tình trạng biến đổi khí hậu và chuyển đổi sử dụng đất đang thay đổi điều này một cách rất đáng kể". Đáng chú ý, đây là hội nghị đầu tiên trong 5 thập kỷ, nhằm vạch ra con đường củng cố an ninh nước toàn cầu đang suy giảm.

Những công cụ mới cho phép các nhà khoa học theo dõi và định lượng luồng hơi nước bốc lên từ các khu rừng nhiệt đới chẳng hạn như Amazon, và rơi xuống những nơi xa xôi như các cánh đồng đậu tương và lúa mì của Argentina, những nơi đang phải trải qua tình trạng hạn hán ngày càng trầm trọng khi diện tích rừng Amazon bị thu hẹp.

Các chuyên gia cho biết, trong bối cảnh tình trạng mất rừng và những tổn thất khác về thiên nhiên đang làm gián đoạn các dòng chảy đó, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu dẫn đến lượng mưa cực đoan và khó dự báo hơn trên một hành tinh nóng hơn, an ninh nước đang suy yếu ở nhiều nơi trên thế giới.

Tiếp đó, các nhà phân tích an ninh cũng lên tiếng cảnh báo, tình trạng khan hiếm nước trầm trọng, như hiện nay ở vùng Sừng châu Phi sau 5 mùa mưa liên tiếp ghi nhận lượng mưa thấp, cũng có khả năng gây ra bất ổn chính trị, xung đột, và di cư…

Ngày nay, khoảng 2,3 tỷ người sống ở các quốc gia căng thẳng về nguồn nước, 1/3 trong số đó phải đối mặt với những áp lực nghiêm trọng, theo dữ liệu do Ủy ban về Nước của Liên Hiệp Quốc (UN Water) công bố năm 2021. Thậm chí có hơn 3,2 tỷ người sống ở các khu vực nông nghiệp phải đối mặt với tình trạng khan hiếm hoặc thiếu nước với mức độ từ "cao" đến "rất cao", Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết trong một báo cáo năm 2020.

Từ đó, các nhà nghiên cứu lưu ý, Ủy ban Kinh tế về Nước Toàn cầu cũng sẽ yêu cầu việc xem xét nước ngọt như một vấn đề toàn cầu, chứ không chỉ là vấn đề địa phương hoặc khu vực; đồng thời củng cố cách thức quản lý, chia sẻ và đánh giá các nguồn cung hạn chế.

Thanh Ngân (Lược dịch từ The Jakarta Post & Reuters)