leftcenterrightdel

Đưa các sản phẩm từ đậu phộng vào chế độ ăn cho trẻ từ 4 - 6 tháng tuổi có thể giúp làm giảm nguy cơ dị ứng với đậu phộng. Ảnh: Shutterstock

Theo các nhà nghiên cứu Anh, việc đưa các sản phẩm từ đậu phộng vào chế độ ăn cho trẻ từ 4 - 6 tháng tuổi có thể giúp làm giảm nguy cơ dị ứng với đậu phộng tới 77%.

Các phát hiện từ phân tích mới, do Giáo sư Graham Roberts từ Đại học Southampton đứng đầu, khuyến nghị rằng trẻ sơ sinh nên được cho ăn các sản phẩm đậu phộng phù hợp khi chúng phát triển sẵn sàng để bắt đầu ăn dặm, từ khoảng 4 tháng tuổi, đồng thời tiếp tục bú mẹ cho đến ít nhất là 6 tháng tuổi.

Đối với trẻ sơ sinh bị bệnh chàm, 4 tháng sau khi sinh là thời điểm được khuyến nghị bắt đầu cho trẻ ăn các sản phẩm từ đậu phộng, sớm hơn một chút so với hướng dẫn sức khỏe thông thường để bắt đầu cho trẻ ăn dặm.

Theo Ủy ban Nâng cao Sức khỏe của Singapore, mốc 6 tháng là độ tuổi được khuyến nghị để bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung các loại thực phẩm và thức ăn đặc khác ngoài sữa, nhưng cũng khuyên các bậc cha mẹ nên để ý các dấu hiệu sẵn sàng ở trẻ, kết hợp với tư vấn y tế.

Một số dấu hiệu cho thấy trẻ sẵn sàng ăn dặm là khi em bé có thể ngồi dựa vào lưng ghế và giữ đầu thẳng đứng; khi em bé thể hiện sự quan tâm đến đồ ăn bằng cách tập trung chú ý hoặc đưa tay về phía thức ăn đặc, hoặc khi em bé có thể nuốt, nhai và không nhổ thức ăn ra ngoài. Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cũng có khuyến nghị tương tự.

Giáo sư Roberts - chuyên gia về dị ứng, cho biết: “Trong nhiều thập kỷ, việc cố tình tránh đậu phộng đã dẫn đến việc cha mẹ sợ giới thiệu đầu phộng sớm cho con là điều dễ hiểu… Bằng chứng mới nhất này cho thấy rằng việc áp dụng các biện pháp can thiệp đơn giản, chi phí thấp, an toàn cho toàn bộ dân số có thể là một chiến lược y tế cộng đồng phòng ngừa hiệu quả, giúp mang lại lợi ích to lớn cho các thế hệ tương lai”. 

Ông thừa nhận rằng trẻ sơ sinh có thể có phản ứng bất lợi với đậu phộng, nhưng đó là những phản ứng “nhỏ”, trong khi các phản ứng nghiêm trọng gần như hiếm thấy.

“Theo kinh nghiệm của chúng tôi, bé thường chỉ có phản ứng nhẹ với đậu phộng. Đây có thể là một vết sưng tấy hoặc phát ban ngứa. Những triệu chứng này có xu hướng khỏi nhanh chóng, một số loại thuốc kháng histamine có thể giúp trẻ dễ chịu hơn. Các phản ứng nghiêm trọng hơn sẽ liên quan đến các vấn đề về hô hấp, nhưng điều này cực kỳ hiếm ở trẻ sơ sinh”, Giáo sư Roberts nói.

Được biết, nghiên cứu dựa trên dữ liệu liên quan đến 640 trẻ sơ sinh được coi là có nguy cơ cao bị dị ứng đậu phộng từ Bệnh viện Nhi đồng Evelina London và hơn 1.300 trẻ bú mẹ hoàn toàn ở Anh và xứ Wales. Những đứa trẻ này đã được theo dõi trong nhiều năm để nghiên cứu về việc giới thiệu sớm 6 loại thực phẩm dễ gây dị ứng, bao gồm sữa, đậu phộng, mè, cá, trứng và lúa mì.

leftcenterrightdel
 

Những trẻ được giới thiệu sớm các loại thực phẩm dễ dị ứng như đậu phộng, trứng... sẽ có cơ hội giảm dị ứng cao hơn những đứa trẻ khác. Ảnh: Shutterstock

Một trong những tác giả của nghiên cứu ban đầu, Tiến sĩ Gideon Lack của Đại học King's College London, cho rằng việc trì hoãn cho trẻ ăn các sản phẩm từ đậu phộng sẽ khiến cơ hội giảm nguy cơ dị ứng cho trẻ thấp dần đi. Theo đó, đợi đến khi trẻ được 12 tháng tuổi mới cho ăn các sản phẩm từ đậu phộng sẽ chỉ giúp giảm 33% nguy cơ dị ứng, so với 77% nếu giới thiệu các sản phẩm này từ khi trẻ được 4-6 tháng tuổi.

“Lợi ích của việc đưa các sản phẩm từ đậu phộng vào chế độ ăn của trẻ giảm dần khi trẻ lớn hơn. Điều này được thể hiện rõ ở Israel, một nền văn hóa trong đó các sản phẩm đậu phộng thường được giới thiệu sớm vào chế độ ăn của trẻ sơ sinh và dị ứng đậu phộng là rất hiếm”, ông nói.

Theo chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa Mary Feeney, việc cho trẻ từ 4 tháng tuổi ăn một thìa bơ đậu phộng 3 lần/tuần là lượng được khuyến nghị để giảm khả năng trẻ bị dị ứng với đậu phộng.

Thực tế, tỷ lệ dị ứng đậu phộng tương đối thấp ở các nước châu Á. Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí Dị ứng châu Á-Thái Bình Dương cho thấy tỷ lệ này chỉ khoảng 0,1%-0,3% trẻ em từ 1-4 tuổi ở Singapore. Trong khi đó, khoảng 2% trẻ em ở Anh bị dị ứng đậu phộng, và tỷ lệ này đang ngày càng gia tăng, theo NHS.

Theo Daily Mail, số người bị dị ứng với đậu phộng đã tăng gấp 3 lần trong những thập kỷ gần đây, và trong những trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn tới tử vong. Điều này khiến những người bị dị ứng với đậu phộng phải lo lắng suốt đời về các thành phần trong thức ăn hằng ngày của họ.

Trước đó, một nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra những lợi ích tương tự với những trẻ sơ sinh được nếm thử trứng khi chúng mới 4 tháng tuổi, với kết quả cho thấy chúng có thể có nguy cơ bị dị ứng với các thực phẩm liên quan thấp hơn so với những đứa trẻ lớn hơn mới được giới thiệu loại thực phẩm này.

Với trứng, cho trẻ ăn thìa trứng đầu tiên trong khoảng thời gian từ 4 - 6 tháng sau khi sinh có liên quan đến tỷ lệ dị ứng trứng thấp hơn 46% so với việc đợi đến sau này mới trẻ cho ăn trứng.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Straitstimes & Daily Mail)