Một chiều mùa hè, đi làm về, vừa mới vào nhà, tôi nghe tiếng gọi cửa rất gấp. Mở cửa, hóa ra người gọi là chị Khuê (Phó Giám đốc Sở Văn hóa thông tin) là trưởng đoàn vừa đưa đội thông tin lưu động của tỉnh dự thi ở Đắc Lắc về.

Tôi chào chị, chị chỉ gật đầu (khác với mọi khi, chị đối với tôi rất vui vẻ và niềm nở). Nhìn sắc mặt chị, linh tính mách bảo tôi rằng có chuyện gì đây không bình thường. Không bình thường về giờ giấc chị đến (lúc này trời đã sắp tối, là lúc chị phải chợ búa và nội trợ gia đình), và cả thần sắc của chị mà tôi cảm nhận qua giọng nói và ánh mắt.

Đỡ xe đạp cho chị và “cố gắng vui vẻ” mời chị vào nhà, chưa kịp rót nước mời chị đã nói “thôi nước non gì, cậu ngồi xuống đây có chuyện muốn hỏi cậu, rồi mình còn về…”. Vừa nói chị vừa lấy ra từ túi xách tay một tờ báo. “Cậu đã đọc bài báo này chưa, không biết Lê Lan là ai mà biết rõ chuyện tham gia dự thi vừa rồi của đoàn Thừa Thiên Huế như người trong cuộc, lại còn nói quá lên, sai cả quan điểm lập trường…”.

Vừa nghe chị nói, tôi vừa lướt nhanh bài báo “Một đoạn đối thoại”. Nội dung bài báo ngắn này ghi lại đoạn đối thoại giữa tác giả và anh Văn Lợi (lúc bấy giờ là Phó Giám đốc Sở Văn hóa thông tin Quảng Bình, là trưởng đoàn) trên đường đưa đoàn đi thi trở về ghé lại Huế. Đại ý là anh tâm sự về tính hiệu quả của cuộc thi. Anh cho rằng nội dung thi không có gì mới, nặng về phong trào. Trong lúc tỉnh anh vừa chia tách, gặp rất nhiều khó khăn. Không tham gia không được, mà kéo “bầu đoàn thê tử” từ Quảng Bình vào Đắc Lắc thì quả là chuyện không đơn giản, nói thẳng ra là quá tốn kém”.

Anh hóm hỉnh “tóm lại là bỏ vàng thật để thu về vàng giả, mà đoàn Thừa Thiên Huế là đoàn hăng nhất, thu về nhiều huy chương vàng nhất”. “Chắc là vì thế, nên chị Khuê phật ý, và tỏ ra bực bội đây”, tôi thầm nghĩ.

Lựa lời nhỏ nhẹ “chị ơi, em thấy bài báo tuy ngắn mà vui đấy chứ, nó gợi lên cho ngành mình là đã đến lúc nên đổi mới các cuộc thi mang tính phong trào, tốn kém nhiều mà hiệu quả mang lại không cao. Nó đề cập chung thế, chứ có riêng gì tỉnh mình đâu”. Ngừng một lát, quan sát thái độ của chị (thấy chị trở lại bình thường như mọi khi), tôi mới nói tiếp “Lê Lan là em đó chị nờ, chắc chị đã đoán được, mới đến gặp em đường đột như ri. Nếu có gì không phải, em thành thật xin lỗi chị. Bất ngờ chị nở nụ cười “rất chị Khuê” và nói “cậu có lỗi gì đâu mà xin lỗi. Thôi chị về đây”. Nói rồi chị đứng dậy ra về.

Từ “Một đoạn đối thoại” đăng trên Báo Thừa Thiên Huế trở thành một cuộc gặp gỡ không hẹn trước đầy thú vị giữa lãnh đạo ngành Văn hóa thông tin và người viết báo. Câu chuyện vui này đến nay vẫn chưa hề cũ, và không chỉ của ngành Văn hóa thông tin.

 

Lê Lan