"Chúng tôi rất ngạc nhiên khi kết quả nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của việc làm sạch không khí không chỉ ở các khu vực bẩn nhất thế giới mà ngay trong những môi trường sạch hơn như Mỹ, Canada và châu Âu", tác giả Julian Marshall, Đại học Minnesota (Mỹ) cho biết trong một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Khoa học Môi trường & Công nghệ.

Nhóm nghiên cứu chứng minh rằng, việc đáp ứng các chỉ tiêu ô nhiễm môi trường của WHO ở những khu vực có không khí bẩn như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga có thể cứu sống đến 1,4 triệu sinh mạng. Ngoài ra, việc đáp ứng các chỉ tiêu trong khu vực ít bị ô nhiễm có thể làm giảm tử vong sớm do ô nhiễm không khí của hơn nửa triệu người/năm.

Khói thải dày đặc ở Delhi, Ấn Độ - Ảnh: GettyImages

Tác giả chính của nghiên cứu, ông Joshua Apte, Đại học Texas (Mỹ) tập trung nghiên cứu các hạt vật chất lơ lửng có kích thước nhỏ hơn 2,5 micron; loại hạt này được cho là nguyên nhân gây nên bệnh tim, đột quỵ và các bệnh về phổi như khí phế thũng và ung thư.

Những hạt này được tạo ra từ việc đốt than ở các nhà máy điện, khí thải từ xe hơi và khí thải công nghiệp. Ở những nước có thu nhập thấp, chúng được hình thành khi đốt cháy than, củi, các nhiên liệu khác để nấu ăn và sưởi ấm.

Trên thế giới, hầu hết con người sống trong môi trường có 10 microgram hạt vật chất/lít không khí, nồng độ an toàn theo khuyến cáo của WHO. Nhưng tại nhiều khu vực ở Ấn Độ và Trung Quốc, nồng độ này có thể lên đến 100 microgram.

Nhóm nghiên cứu tin rằng, mô hình làm sạch không khí có thể góp phần vào việc thiết kế các chiến lược bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong tương lai.

Lê Thảo (lược dịch từ AFP & CNA)