Đào đất bắt địa sâm

Qua cầu Tư Hiền, nối hai xã Vinh Hiền và Lộc Bình, chúng tôi chứng kiến nhiều người cầm xẻng đào bới các bờ đất dọc cửa biển Tư Hiền săn tìm địa sâm. Chúng tôi thuê chiếc thuyền ra giữa bãi bồi “mục sở thị” người dân bắt con địa sâm thế nào. Với chiếc xẻng trên tay, cùng một can nhựa thắt bên hông, một người đàn ông ở xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành (Quảng Nam) hì hục đào bắt địa sâm giữa bãi bồi cho hay, để xác định có địa sâm hay không chỉ cần nhìn dấu vết bề mặt đất. Chỗ nào đất có ô tròn hở là địa sâm nằm ở phía dưới. Mỗi ngày, bình quân mỗi người bắt khoảng hơn 4kg địa sâm, sau đó mang về Quảng Nam bán lại cho thương lái. Thông thường địa sâm tươi bán 50.000 đồng/kg, nếu phơi khô, thương lái mua với giá là 400.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 700.000 đồng/kg.
 
Những hố sâu nham nhở sau đào bắt địa sâm
“Thông tin từ văn phòng UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, những ngày qua đã xuất hiện những nhóm thanh niên 3-5 người đào bới săn bắt địa sâm bên bên đầm Lập An. Không biết họ đến từ đâu nhưng vào sáng sớm hoặc gần chiều tối, thời điểm thủy triều hạ, họ tập trung đào bới săn bắt địa sâm. Công đoạn đào bới diễn ra rất nhanh, hậu quả để lại ven đầm Lập An là những hố nham nhở bùn đất”.
Theo quan sát của chúng tôi, sau khi dân săn địa sâm rời đến vị trí khác, để lại trên bãi bồi những lớp đất bùn bị xới tung. Một người trong nhóm nói: “Năm ngoái anh em tôi đã rủ nhau ra đây xin nhà dân ở lại để đào bắt địa sâm. Mỗi chuyến kéo dài khoảng 10 ngày, sau đó mang về bán cho thương lái tại Quảng Nam. Rỗi rãi thấy nghề này sống được nên tiếp tục trở lại tìm kiếm địa sâm”. Tận mắt chứng kiến những người đào bùn bắt địa sâm, mới thấy họ thao tác thật chuyên nghiệp. Theo ông Phan Ty, người dân nuôi cá lồng thôn Tân Bình (Lộc Bình), mấy ngày qua dân săn địa sâm đã tập trung về bãi bồi này. Lúc cao điểm ở bãi bồi dọc cửa biển Tư Hiền có cả chục người dân nơi khác đến đào bới săn địa sâm cạnh khu vực bà con chúng tôi đang nuôi cá lồng. “Tình trạng này chắc rằng môi trường cảnh quan sẽ dần biến dạng”- ông Ty lo lắng.
Theo thông tin từ người dân địa phương, chúng tôi tiếp tục tìm về khu vực gần cảng Chân Mây. Tại đây, hàng chục người đang hì hục đào xới dọc con sông Bù Lu, thuộc xã Lộc Vĩnh. Những người này đều mang theo xô và thuỗng nhỏ để đào bới địa sâm dưới lớp bùn bồi lắng. Thấy người lạ đến gần hỏi chuyện, họ bâng quơ, chỉ gật đầu cho qua chuyện.
 
 
Tìm giải pháp ngăn chặn triệt để
Ông Bùi Ngọc Ga, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết, mấy năm trước ở ven sông Bù Lu có rất nhiều người dân xứ Quảng ra săn bắt địa sâm. Hiện, số người này xuất hiện không nhiều. Tuy nhiên, vào ban đêm lại có nhiều học sinh ở địa phương đang trong dịp nghỉ hè đi săn bắt địa sâm bán qua trung gian. Hiện chúng tôi đã có những buổi tuyên truyền, vận động người dân không săn bắt địa sâm, đồng thời tổ chức những đợt ra quân ngăn chặn. Riêng với những người ngoài tỉnh đến săn bắt, chúng tôi cấm triệt để” - ông Ga nói.
Những năm tháng trước đây dọc các bờ biển, ven đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, thuộc huyện Quảng Điền, Phú Lộc, người dân ở các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam đổ về săn địa sâm. Trước tình trạng này, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh đã có công văn yêu cầu các xã, thị trấn ở vùng ven biển, đầm phá trên địa bàn tỉnh ngăn chặn tình trạng khai thác địa sâm.
Theo ông Trịnh Cao Phong, cán bộ văn phòng UBND thị trấn Lăng Cô, tình trạng người dân nơi khác đến đào đất bắt địa sâm ở đầm Lập An, lãnh đạo chính quyền địa phương hiện đã thông báo ban, ngành chức năng cấp trên can thiệp; đồng thời, vận động người dân địa phương ngăn chặn không cho người dân ở ngoại tỉnh săn bắt địa sâm tại đầm Lập An.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Trọng Cầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc nói, thực trạng người dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định tập trung về các bãi bồi ven biển đầm phá Cầu Hai trong những ngày này không phải lần đầu. Hoạt động của họ làm ảnh hưởng môi trường sinh thái trong khu vực. Đây là vấn đề khá nan giải, huyện Phú Lộc đang báo cáo lên ban, ngành chức năng cấp tỉnh sớm phối hợp với địa phương đề ra phương án ngăn chặn dứt điểm.
 
 
bài, ảnh: Minh Văn - Ngọc Thạnh