Một lần nữa, điều này được khẳng định bởi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tại một diễn đàn doanh nghiệp (DN) vừa được tổ chức vào cuối tuần qua tại Hà Nội. Cũng theo Bộ trưởng, đây không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Ở góc độ vĩ mô, mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới khi lựa chọn xanh như là chiến lược và lợi thế - không có gì khác hơn là để đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường. Nền kinh tế xanh không chỉ đơn thuần hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, mà còn để tiêu hao ít nhất nguồn tài nguyên thiên nhiên. Mặt khác, “xanh” còn bao gồm với việc tổ chức và thích ứng với việc sử dụng nguồn năng lượng sạch, nguyên, vật liệu thân thiện môi trường; đầu tư và sử dụng các dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường, giảm thiểu chất thải và khí thải…

Xanh còn là vấn đề của công bằng và trách nhiệm xã hội. Trách nhiệm này không phải chỉ là việc của các cơ quan công quyền, mà còn là trách nhiệm của các DN. Điều này được thể hiện một cách cụ thể trong cách, lĩnh vực mà DN tham gia đầu tư và sản xuất, bao gồm các vấn đề về nguồn nguyên, vật liệu, trách nhiệm đối với bầu khí quyển thông qua việc trung hòa carbon… Điều quan trọng hơn là văn hóa DN trong sử dụng và tái tạo nguồn lực con người trong các quy trình làm việc, sản xuất.

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu… là điều mà Việt Nam đang đặt mục tiêu để thực hiện, thông qua Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn. Mặc dù đang ở những bước đi đầu tiên, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chúng ta đã đạt được những thay đổi trong nhận thức về trách nhiệm và vai trò của DN trong việc tạo ra một hệ sinh thái cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Có thể nhìn nhận sự thay đổi này trong việc tham gia của từng địa phương. Chẳng hạn như Thừa Thiên Huế đã xác định mục tiêu của hướng đi lâu dài là “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”. Từ đó, bằng các tiêu chí và kế hoạch được cụ thể hóa để xây dựng nền kinh tế xanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển đô thị thông minh và bền vững cũng như phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường…

Thực ra, đã xác định là chiến lược và lợi thế, chắc chắn đó cũng là lựa chọn của Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương khi làm việc với các nhà đầu tư. Đương nhiên, một môi trường đầu tư xanh cũng lại là điều kiện mà các nhà đầu tư tiềm năng quan tâm khi tìm kiếm cơ hội. Sự cạnh tranh, chắc chắn sẽ đến cả từ hai phía. Tìm được tiếng nói chung, phù hợp với xu thế phát triển xanh, nghĩa là các bên sẽ tìm được cơ hội để cùng phát triển.

Nguyễn Bình An