Tình yêu tuổi học sinh có thể là kỷ niệm đẹp nếu được gia đình quan tâm, sẻ chia đúng cách. Ảnh: NVCC |
Không đáng chê trách
Chị Phạm Hoài Thu, phụ huynh có con học lớp 10 (TP. Huế) chia sẻ, một lần dọn bàn, chị vô tình đọc được lá thư của con. Chị “đứng tim” vì quá bất ngờ về những dòng tâm sự yêu đương của con gái. Chị đọc lá thư mà thấy lòng rối bời, vì những từ ngữ trong đó chứa đầy yêu thương, nhớ nhung. “Thật không thể ngờ rằng, ở tuổi này mà các cháu đã yêu sớm như vậy. Chúng cũng đau khổ, nhớ nhung, hò hẹn như người lớn”, chị Thu kể.
Sau khi phát hiện con có người yêu, chị Thu không khỏi tức giận. Chị quát con và cho rằng, tuổi của con là học, chứ không phải yêu. Tuy nhiên, điều khiến chị Thu bất ngờ hơn là sự chống đối, cãi lại từ con gái. Thậm chí, cô bé còn “chiến tranh lạnh” với mẹ nhiều ngày.
Cách đây không lâu, mạng xã hội được một phen “dở khóc dở cười” với câu chuyện cậu bé 13 tuổi “đi theo tiếng gọi tình yêu”, đạp xe đến thăm bạn gái trên mạng internet và được tìm thấy cách nhà hơn 200km. Cậu bé 13 tuổi bỏ nhà đi sau khi cha mẹ phát hiện cậu hẹn hò bạn gái, cũng là học sinh trung học cơ sở qua mạng xã hội và đã chửi mắng, đánh đập, cấm con tuyệt đối không được lên mạng nữa.
Đồng hành cùng con
Theo chuyên gia tâm lý Đậu Thị Thanh Bình (TP. Huế), trẻ con ngày nay được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng tốt, dễ phát triển sớm về cả thể xác, sinh lý. Đồng thời, sự tác động mạnh mẽ của mạng xã hội cùng các trào lưu trên mạng dễ dàng khiến trẻ ý thức sớm hơn về chuyện tình cảm, dễ dấn thân vào chuyện “yêu đương” ngay cả khi mới là học sinh.
Chuyên gia Thanh Bình đưa ra lời khuyên, các bậc cha mẹ không nên đưa thế hệ mình hay các thế hệ trước để so sánh với con cái hiện nay. Khi phát hiện con yêu sớm, thay vì nổi giận, chất vấn hay cấm đoán, phụ huynh nên cố gắng tìm hiểu tâm tư, tình cảm của con, để từ đó có cách xử lý hiệu quả nhất. Cho dù cách nào đi nữa thì cũng không nên dùng bạo lực ngôn ngữ hay bạo lực thân thể, mà nên tôn trọng, chia sẻ và đồng cảm cùng con. Có như thế mới từng bước tạo được niềm tin ở con và giải quyết được vấn đề một cách ôn hòa, tốt đẹp.
Chị Hồ Thị Cẩm Linh (phường Phường Đúc) đã chia sẻ bài học kinh nghiệm trong xử lý chuyện con yêu sớm hiệu quả. Chị Linh cho biết, sau khi biết con gái lớp 6 đã bắt đầu “hẹn hò” với một bạn trai cùng khóa, chị đã cùng chồng thảo luận cách để có thể tiếp cận, trò chuyện cùng con. Sau nhiều cuộc trò chuyện lân la, cởi mở, chị hiểu ra con và cậu bạn kia hoàn toàn trong sáng, vì cùng là học sinh giỏi trong lớp, mến phục nhau trong học tập mà kết thành đôi. Từ đó, chị thường bảo con mời bạn về nhà cùng học. Vợ chồng chị cũng đối xử rất tử tế với cậu con trai kia, thậm chí còn giúp “gỡ rối” khi hai đứa giận nhau. Nhờ sự khéo léo trong cách dạy con ấy mà vợ chồng chị giúp con duy trì mối quan hệ trong sáng.
Chuyện con yêu sớm có nguy hiểm hay không còn phụ thuộc vào cách hành xử, giáo dục của cha mẹ đối với con. Lựa chọn cách đồng hành, trở thành người bạn của con thay vì đối đầu là phương pháp mà cha mẹ hiện đại cần cân nhắc. Đây cũng là cách đã được nhiều ông bố, bà mẹ tâm lý chọn lựa để hóa giải "an toàn" chuyện con yêu đương trong giai đoạn "khủng hoảng tuổi dậy thì".