Đất nền vẫn là lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư |
Dù vậy, theo thông tin từ vài công ty hoạt động ở lĩnh vực môi giới BĐS, giá cả có phần hạ hơn hồi giữa năm 2022, thời điểm thị trường BĐS vẫn còn “giữ nhiệt”. Hiện, có một số lô ở những khu quy hoạch thấp hơn thời điểm giữa năm 2022 1-5 triệu đồng/m2, nhưng vẫn có nhiều người buộc phải bán cắt lỗ vì không chịu nổi lãi suất ngân hàng hoặc quá khả năng trả nợ.
Chị Phan Thị T. M. ở TP. Huế vừa bán lô đất ở đường Nguyễn Hoàng để xoay xở trả nợ cho người thân, còn lại để đáo hạn ngân hàng. Chị cho hay, thời điểm giữa năm 2022 có người trả giá lô đất hơn 110m2 của chị đến 2,6 tỷ đồng, nhưng chị không bán vì cứ nghĩ giá sẽ còn lên. Tuy nhiên, tầm từ giữa cuối năm 2022 đến nay giá càng đi xuống, lại không có người mua. Chị cũng định gắng thêm một thời gian nữa để chờ thị trường “ấm” trở lại nhưng áp lực trả nợ lớn, lại cần tiền lo công việc gia đình nên đành bán lô đất, dù giá không được như mong muốn. “Mất mấy trăm triệu so với thời điểm giữa năm ngoái, lại còn “gánh thêm” cả trăm triệu tiền lãi ngân hàng. Đúng là “thiệt đơn, thiệt kép”, chị M. thở dài.
Đó cũng là tình trạng chung của một số người kinh doanh, buôn bán BĐS hay còn gọi là nhà đầu tư “mì ăn liền”. Nghĩa là họ có ít vốn hoặc đa số là vốn vay ngân hàng, khi thị trường sôi động, họ đầu tư cọc để “lướt sóng”, nhưng chưa kịp lướt thì thị trường đã hạ nhiệt đành “ôm” để khỏi mất cọc. “Ôm” một thời gian và không còn khả năng trả lãi, gốc họ không còn cách nào khác phải bán dù lỗ không ít.
Tuy thế, thị trường BĐS ở Huế hiện chưa sôi động, song vẫn có giao dịch. Riêng thị trường BĐS ở Quảng Trị gần như “đóng băng”. Trường hợp chị T. ở phường Phú Hội (TP. Huế) còn khó khăn hơn, khi đa phần đất chị đầu tư ở Quảng Trị, kể cả bán lỗ vẫn không có người mua. Chị T. kể, thời điểm Quảng Trị “sốt đất”, tầm từ hè năm ngoái, chị và bạn đầu tư 4 lô, đa số ở vùng ven, dạng đất phân lô trong dân. Nghĩa là cả hội nhóm của chị mua một lô lớn sau đó làm thủ tục tách thửa ra các lô nhỏ, tầm từ 70-100m2 bán lại kiếm lời. Bình quân mỗi lô trên dưới 1 tỷ đồng. Thế nhưng, bây giờ dù hạ giá còn chỉ từ 500-700 triệu đồng/lô tùy diện tích, vẫn không có người mua. So sánh giá bây giờ với thời điểm “sốt đất” năm ngoái, chị T. và bạn mình lỗ cả tỷ đồng.
Theo nhận định của Sở Xây dựng, thị trường BĐS trên địa bàn thời gian qua có dấu hiệu chững lại, nhưng về cơ bản không có tình trạng “bong bóng” nên nhà đầu tư cũng không quá chịu áp lực khi “bóng xì hơi” nhanh chóng. Tuy nhiên, họ vẫn chịu rủi ro và áp lực nguồn vốn vay khi mà các ngân hàng thời gian qua tăng lãi suất liên tục. Có thời điểm, lãi suất cho vay một số ngân hàng TMCP lên tới 15-17%/năm là một áp lực không nhỏ cho các nhà đầu tư BĐS, cũng như người dân và doanh nghiệp nói chung. Đó cũng là lý do họ phải “bán đổ, bán tháo” BĐS để cắt lãi ngân hàng.
Hiện các chính sách về tiền tệ, lãi suất đã có những điều chỉnh, linh hoạt và việc các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất, dù chưa nhiều nhưng cũng là tín hiệu tích cực giúp thị trường BĐS phục hồi trong ngắn hạn. Các chuyên gia dự báo, tầm từ giữa cuối năm nay, khi các chính sách gỡ khó cho BĐS và các gói hỗ trợ lãi suất ở một số lĩnh vực được triển khai nhiều hơn, các ngân hàng nới lỏng hơn việc cho vay ở lĩnh vực BĐS cũng như lãi suất ổn định và giảm hơn sẽ là điều kiện tốt giúp thị trường BĐS phục hồi tốt hơn và dài hơi. Đó cũng là tin vui với các nhà đầu tư. Song, cũng sẽ có những thay đổi trong việc đầu tư cũng như các phân khúc BĐS khi Luật Đất đai (Sửa đổi) được Quốc hội thông qua. Vì thế, việc nhà đầu tư cần làm là tìm hiểu và nắm rõ các thông tin về thị trường, chính sách, luật... để đầu tư đúng hướng và sinh lợi.