leftcenterrightdel
Các đại biểu và nhân chứng lịch sử tham dự tại Hội thảo 

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo Thành ủy, Thị ủy Hương Thủy, Huyện ủy Phú Vang, Phú Lộc, đặc biệt là sự góp mặt của các nhân chứng lịch sử, nguyên là cán bộ lãnh đạo các cấp qua các thời kỳ và những người trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu gắn bó với địa điểm lịch sử cách mạng Hóc Mụ Bồi.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trên mỗi mảnh đất của Thừa Thiên Huế nói chung và trên địa bàn huyện Phú Lộc nói riêng vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích của một thời đấu tranh cách mạng kiên trung, bất khuất không thể nào quên.

Trong đó, địa điểm lịch sử Bàu Bàng - Hóc Mụ Bồi, xã Lộc Bổn được biết đến là nơi đã tổ chức hoạt động cung cấp lương thực “nuôi cán bộ của tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Để có hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men cung cấp cho hậu cứ, máu của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã đổ xuống. Sự hy sinh to lớn và chiến công thầm lặng đó là biểu tượng sinh động của tình nghĩa quân dân bền chặt giữa TP Huế, Hương Thủy, Phú Vang và xã Hưng Lộc trước đây (nay là xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc), góp phần quan trọng vào thắng lợi của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

leftcenterrightdel
 Địa điểm lịch sử Bàu Bàng - Hóc Mụ Bồi, xã Lộc Bổn ngày nay

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là sau sự kiện Tết Mậu Thân (1968), sau khi làm chủ thành phố Huế 26 ngày đêm, trước sự phản công của địch, quân giải phóng và các lực lượng vũ trang của ta phải rút lui về hậu cứ, lên chiến khu.

Ở Lộc Bổn, cũng như một số xã trên địa bàn tỉnh, địch mở các cuộc càn quét liên tục nhằm khủng bố và uy hiếp quần chúng, đánh bật và tiêu diệt các cơ sở cách mạng. Các lực lượng của ta lúc này bị đẩy dồn về hậu cứ. Riêng ở khu vực Bắc Động Truồi, các lực lượng lui về đứng chân ở đây gồm: lực lượng vũ trang thuộc các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Hương Thủy và các đơn vị K4, K10…, các cơ quan Dân chính Đảng, của các lực lượng vũ trang TP.Huế và các đơn vị độc lập của Quân khu Trị Thiên tăng cường cho Mặt trận Huế) lui về đóng ở Khe Đầy (Hương Thủy).

Lúc này, vấn đề lương thực, thực phẩm để nuôi quân hết sức khó khăn. Ban Kinh tế tài chính Khu ủy (gọi tắt là Ban Kinh tế) gồm 5 phân ban. Các phân ban kinh tế có nhiệm vụ tổ chức thực hiện hậu cần nhân dân tại chỗ, vận động nhân dân ủng hộ nuôi quân, thu mua lương thực, thực phẩm, đảm bảo cung cấp cho lực lượng chiến đấu từng địa bàn, khu căn cứ và có dự trữ. Vận động đồng bào miền núi và vùng giải phóng đồng bằng đẩy mạnh sản xuất, phục vụ chiến đấu.

leftcenterrightdel
 Ông Võ Nguyên Quảng - Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế tham luận tại hôi thảo

Nói về những khó khăn, gian khổ sau năm 1968, ông Võ Nguyên Quảng - Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, khẳng định: Con đường từ hậu cứ về đồng bằng hết sức gian khổ; tuy nhiên, đứng trước cái đói, sốt rét, bệnh tật…, cán bộ chiến sỹ phải tìm về đồng bằng để thu mua lương thực, thực phẩm, thuốc men. Ông Võ Nguyên Quảng lúc bấy giờ trên cương vị là Chính trị viên, kiêm Huyện đội trưởng, được Đảng phân công trực tiếp chỉ đạo các xã phía Nam, trong đó có Hưng Lộc.

Từ hậu cứ, nhiều đội công tác đã vượt qua hiểm nguy, đêm đến tìm về đồng bằng của 2 xã Hưng Lộc và Hải Thủy thu mua lương thực. Địch phục kích ngăn chặn điểm này, các đội thu mua lại chuyển sang điểm khác. Để có hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men cung cấp cho hậu cứ, máu của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã đổ xuống ở vùng giáp ranh, ở khe Trạng Cày, ở thôn 8, đồi Lệ, ga Nong, Bàu Bàng, Hóc Mụ Bồi… Riêng cơ quan Huyện đội Hương Thủy đã có gần 60 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi về Hưng Lộc, Hải Thủy thu mua lương thực” - Ông Võ Nguyên Quảng hồi ức.

Ông Phan Thanh Long - Nguyên Đội trưởng Đội Kinh tế, kiêm Trưởng Ban đường dây, cho biết thêm: “Từ cuối 1968, do tuyến Mỹ Thủy (nay là phường Thủy Phương) bị đối phương phong tỏa nên Hưng - Hải trở thành tuyến hành lang huyết mạch để các lực lượng ở hậu cứ tìm về đồng bằng Hưng - Hải thu mua lương thực, nhu yếu phẩm cung cấp cho cách mạng. Mũi Hưng - Hải là địa bàn ác liệt nhất, quân ta đã hy sinh rất nhiều, có ít nhất 200 đồng chí hy sinh”.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Kiên - nhân chứng lịch sử, Nguyên Đại đội phó Đại đội hành lang Huyện đội Hương Thủy, riêng sự kiện lịch sử ở Hóc Mụ Bồi, đã xảy ra nhiều trận phục kích, trong đó trận diễn ra giữa năm 1969 là lớn nhất, cả đội thu mua 19 người đều hy sinh...

Về sự kiện này, ông Trần Nhẫn một cơ sở cách mạng ở thôn Hoà Vang, xã Lộc Bổn cũng khẳng định: “19 người hy sinh tại chỗ, trong đó có 3 nữ”.

Cùng nội dung sự kiện lịch sử diễn ra tại địa điểm Hóc Mụ Bồi, nhiều nhân chứng lịch sử khác đều khẳng định, sự hy sinh tổn thất to lớn của các lực lượng của ta về đồng bằng thu mua lương thực.

leftcenterrightdel
Bà Phan Thị Hiên hồi ức lại những thời khắc ác liệt ở địa điểm lịch sử Bàu Bàng - Hóc Mụ Bồi

Bà Phan Thị Hiên, nhân chứng lịch sử tham gia kháng chiến từ năm 1967, thành viên của Đội thu mua Ban kinh tế Thành ủy Huế, kể lại: “Trong năm 1969, đoàn chúng tôi 32 người gồm nhiều cơ quan khi về vùng đồi Lệ - Bàu Bàng bị địch phục kích. Phần lớn cán bộ, chiến sĩ của K32 đi đầu đều hy sinh, tốp chúng tôi đi sau chạy lui đến khe Trạng Cày liền bị pháo tập kích hy sinh rất nhiều. Trong 32 người chỉ còn tôi và chị Nghi là thoát chết”.

Ông Đỗ Xuân Bé, nguyên Trung đội trưởng Đội thu mua K32 cũng cho biết: “Vùng Đồi Lệ - Hóc Mụ Bồi - Bàu Bàng, trong chiến tranh là những nơi địch thường tổ chức phục kích. Riêng đơn vị thu mua của K32 đã có trên 30 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở đây”.

Trong hành trình về đồng bằng thu mua lương thực ở mũi Hưng - Hải, ngoài sự tham gia của các lực lượng vũ trang, còn có sự chung sức, chung lòng của Đảng bộ xã Hưng Lộc (Lộc Bổn) và sự cưu mang, nuôi dưỡng, che chở của Nhân dân. Điều đó cũng được khẳng định qua ý kiến tham luận của ông Nguyễn Thanh Thiệt, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hưng Lộc.

Theo ông Thiệt, chính nhờ xây dựng được mạng lưới cơ sở bao phủ nên từ năm 1968 cho đến tháng 3/1975, nhân dân thôn I xã Hưng Lộc đã cung cấp cho cách mạng hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, hàng hóa, thuốc men; góp phần giúp cán bộ, chiến sĩ bám trụ chiến trường, hoàn thành nhiệm vụ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

leftcenterrightdel
 Các nhân chứng lịch sử thăm địa điểm lịch sử Hóc Mụ Bồi

Nhiều ý kiến quý báu của các chứng nhân lịch sử đã làm cho hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng, là dịp để tiếp tục khẳng định, làm rõ thêm những đóng góp và cống hiến to lớn của các cán bộ, chiến sỹ đã trực tiếp tham gia chiến đấu và anh dũng hy sinh tại địa điểm Bàu Bàng - Hóc Mụ Bồi. Qua đó, làm cơ sở để đề nghị UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh và xây dựng đền tưởng niệm để thể hiện đầy đủ sự tri ân và lòng kính trọng đối với các chiến sỹ cách mạng.

Bí thư Huyện ủy Phú Lộc, Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, những ý kiến đóng góp của các chứng nhân lịch sử đã làm sáng tỏ nhiều nội dung cũng như giá trị khoa học lịch sử gắn liền với địa điểm lịch sử cách mạng Hóc Mụ Bồi. Cơ bản đã thống nhất về vị trí, vai trò của Hóc Mụ Bồi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là con đường huyết mạch quan trọng từ hậu cứ về đồng bằng và ngược lại từ đồng bằng lên núi. Nơi đây đã diễn ra nhiều đợt phục kích của địch và nhiều trận giao tranh giữa ta và địch, với nhiều chiến sỹ đã anh dũng hy sinh. Đây còn là bằng chứng lịch sử sinh động về cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Địa điểm lịch sử cách mạng Hóc Mụ Bồi ghi dấu về những chiến công, cũng như những hy sinh to lớn của quân và dân ta thể hiện khát vọng độc lập, thống nhất đất nước của quân và dân ta, với ý chí kiên cường, dũng cảm, gắn liền với một thời kỳ hào hùng của dân tộc.

Bài, ảnh: BÁ TRÍ