leftcenterrightdel
Nguyễn Văn Thiên Vũ, Giám đốc điều hành của Công ty AgriDrone Việt Nam 

Đang miệt mài với những chuyến đi khắp các vùng miền, những ngày giữa tháng 3, Thiên Vũ nhận được tin vui từ Trung ương Đoàn khi được bình chọn 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022.

Chia sẻ với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, Thiên Vũ trải lòng: “Ngoài chọn sự tử tế để phục vụ người nông dân, em mong muốn đào tạo thế hệ trẻ, những người luôn biết hướng đến cái mới, làm việc không chỉ bằng đam mê, nhiệt huyết mà còn vì cái tâm với khách hàng”.

Cảm xúc của Vũ lúc này, khi nhận được tin 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu?

Em khá bất ngờ và tự hào khi được vinh dự nhận giải thưởng vô cùng quý giá này từ Trung ương Đoàn. Trước đó, mình đã có mối liên kết, hợp tác với Trung ương Đoàn trong việc tạo ra “sàn nông sản vũ trụ ảo AgriVerse”. Đây được xem là giải pháp công nghệ mới giúp kết nối sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên nông thôn với người tiêu dùng có nhu cầu.

leftcenterrightdel
 Nguyễn Văn Thiên Vũ - 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022

Công nghệ này sẽ cho phép đưa hàng ngàn “cửa hàng” và vô số sản phẩm lên đó mà không tiêu tốn một xu tiền mặt bằng để trưng bày sản phẩm. Hiện tại, sàn thương mại này được triển khai cho thanh niên nông thôn tại 14 tỉnh/thành và kế hoạch đến 2025 sẽ triển khai toàn bộ 63 tỉnh, thành.

Nhưng người ta thường biết đến Thiên Vũ của hiện tại gắn với hành trình đưa những “cánh chim sắt” - máy bay không người lái bay trên cánh đồng Việt để hỗ trợ nông dân. Nó bắt đầu như thế nào?

Giấc mơ đã thành hiện thực ấy xuất phát từ khi em còn là sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Đó là vào khoảng năm 2012, em theo đuổi nghiên cứu hệ thống cân bằng với tham vọng sáng chế chiếc xe một bánh cân bằng. Nhưng rồi, như cơ duyên rẽ lối, quá trình nghiên cứu bộ điều khiển nó lại liên quan đến hệ thống bay. Mình nghiên cứu hệ thống bay từ đó và nhận ra đây là hệ thống có tính ứng dụng ở nhiều lĩnh vực trong tương lai.

Đề tài tốt nghiệp đại học của mình cũng liên quan đến máy bay không người lái. Ra trường, mình quyết tâm chinh phục công nghệ này và tìm kiếm nhà đầu tư.

Khi đó, mình bắt tay làm từng giai đoạn và kêu gọi theo kiểu “cuốn chiếu”. Làm đến đâu, kêu gọi vốn đến đó. May mắn trong hành trình đó, mình gặp nhiều cộng sự có chung đam mê rồi cùng “nhập hội”.

Mọi việc có vẻ thuận lợi, phải không?

Không! Để được như ngày hôm nay là hành trình không hề đơn giản. Khi nghiên cứu máy bay không người lái em đi theo hướng… thuận đâu làm đó. Lúc nghiên cứu liên quan đến ứng dụng quân sự, khi liên quan đến trắc địa bản đồ, không lâu sau chuyển sang ứng dụng media, có thời gian chuyển hướng sang ứng dụng cho giải trí.

leftcenterrightdel
Nguyễn Văn Thiên Vũ được vinh danh 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022 

Riêng máy bay không người lái cỡ lớn ứng dụng vào nông nghiệp, đến tận năm 2015 mình mới bắt tay sáng chế thông qua đặt hàng từ khách. Em nghĩ đơn giản và phấn khích khi ai đặt gì mình làm đó. Oái ăm thay, khi sản phẩm ra đời lại không được thị trường chấp nhận với lý do công nghệ quá mới, ảo tưởng.

Thông thường người nông dân bơm 400 lít nước (pha với thuốc) cho 1 ha ruộng lúa, nhưng công nghệ của mình chỉ cần 10 – 20 lít. Người tiêu dùng cho rằng đó là điều phi lý và đặt câu hỏi “bơm 400 lít mà còn chưa ra gì, đằng này lượng nước giảm xuống 20-40 lần thì làm sao hiệu quả?”. Rồi người ta còn nói ra nói vào mình chỉ là thằng sinh viên vừa chân ướt chân ráo ra trường không có kiến thức, hiểu biết gì về nông nghiệp trong khi nông dân như họ chân lấm tay bùn, gắn với ruộng lúa cả đời.

Và Thiên Vũ đã bước qua giai đoạn khó khăn ấy như thế nào?

Nguyễn Văn Thiên Vũ, 32 tuổi, quê ở xã Phú Mậu, TP. Huế. Theo thành tích được Trung ương Đoàn công bố, Thiên Vũ là người điều hành 2 công ty, đạt doanh thu 80 tỷ đồng, lợi nhuận 2 tỷ đồng năm 2022; ứng dụng rộng rãi máy bay không người lái vào canh tác sản xuất nông nghiệp trên 40 tỉnh, thành; phối hợp cùng Trung ương Đoàn ra mắt sàn nông sản Vũ trụ ảo AgriVerse, giải thưởng Doanh nhân tiêu biểu năm 2022.

Lúc đó em có giải thích mấy người ta cũng đâu có nghe. Thậm chí đôi lúc mình không tin vào chính mình. Dự án tạm dừng, đến năm 2018 khi có 1 tập đoàn nông nghiệp nước ngoài muốn thử nghiệm triển khai công nghệ này vào thị trường Việt Nam, em may mắn là người hỗ trợ kỹ thuật vận hành máy bay cho họ trong quá trình thử nghiệm này.

Tập đoàn này đã thử nghiệm rất thành công trong 2 mùa vụ, tại nhiều vùng nông nghiệp lúa nước trên cả nước. Nhờ sự chứng thực ấy cùng với việc nghiên cứu công nghệ thời điểm đó “vào đúng độ chín” nên đã được nông dân chấp nhận.

Những ngày đầu “cánh chim sắt” bay trên bầu trời nông nghiệp em đã tự tin và dám hứa với người nông dân. Nếu mình làm đạt năng suất cao, người nông dân cứ hưởng. Ngược lại, nếu không đạt năng suất đề ra mình sẽ bồi thường cho họ. Khi thành công ngoài mong đợi, thông tin cứ thế lan tỏa, nông dân liên hệ AgriDrone Việt Nam dồn dập.

Vũ có thể nói rõ hơn về ưu điểm khi ứng dụng Drone vào nông nghiệp?

Nếu như ngày trước người nông dân phun thuốc theo phương thức bằng tay thì lượng nước ra ở vòi phun theo độ quơ tay với tốc độ đi bộ 5km/h phải cần 250-450 lít/ha.

Nhưng khi áp dụng Drone thì tốc độ bay nhanh, cần 10-20 lít nước, lượng nước khi này phụ thuộc vào công nghệ. Việc này ngoài tiết kiệm nước, tiết kiệm thuốc, còn tiết kiệm rất nhiều công sức của người nông dân. Hiện tại 1 Drone công suất gấp 50-100 lần so với sức người.

Trong 5 năm qua, nhờ áp dụng công nghệ này, theo tính toán chúng tôi đã tiết kiệm được 1,5 tỷ lít nước. Trong canh tác, việc này giảm thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính, hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người nông dân…

Việc áp dụng Drone phục vụ cho nông nghiệp ở Huế, thì sao?

Khác với việc đã “phủ sóng” ở miền Tây cũng như một số tỉnh ở miền Đông và Tây Nguyên, thì thị trường Huế có hướng đi riêng.

Thị trường Huế với tính chất những cánh đồng diện tích nhỏ nên khá khó triển khai, nhưng em tin trong thời gian tới sẽ có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đây là thị trường quê hương, quay về để phục vụ quê hương. Dù phát triển còn chậm nhưng chính vùng đất này em đã tìm thấy điểm sáng khác. Huế có rất nhiều bạn trẻ tài năng nhưng chưa có môi trường, cơ hội để phát triển. Đây là cơ hội cho việc phát triển nhân sự đối với doanh nghiệp nếu họ nhìn nhận được. Đội ngũ nhân sự của công ty trên toàn quốc chiếm phần lớn là người miền Trung.

Em muốn giúp cho các bạn trẻ Huế, miền Trung có điều kiện vào môi trường làm việc của tập đoàn với sự chuyên nghiệp. Từ đó các bạn có thể học hỏi, trưởng thành, tạo luồn ảnh hưởng cho thế hệ sau. Hy vọng môi trường làm việc ở AgriDrone Việt Nam giúp cho các bạn có sự trải nghiệm, chiêm nghiệm và phát triển bản thân để đi xa hơn.

Cảm ơn Thiên Vũ!

PHAN THÀNH (Thực hiện)