leftcenterrightdel
Lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa: TTXVN 

Theo ADB, Đông Nam Á rất dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu. Những cơn bão, lũ lụt và hạn hán ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, mực nước biển dâng, nhiệt độ cao hơn, và các hình thái mưa thay đổi đang tác động tiêu cực đến năng suất cây trồng, đa dạng sinh học, thu hoạch rừng và sự sẵn có của nguồn nước sạch. Các tác động của khí hậu cũng có thể dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh sốt rét, sốt xuất huyết và các bệnh khác cao hơn. Nền kinh tế của khu vực ước tính có thể thu hẹp 11% vào cuối thế kỷ này, do tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp, du lịch, nhu cầu năng lượng, năng suất lao động, sức khỏe con người, cũng như các hệ sinh thái.

Trong bối cảnh Đông Nam Á tái thiết sau đại dịch COVID-19, các Chính phủ cần thúc đẩy một quá trình phục hồi, trong đó không chỉ hỗ trợ tăng trưởng và tạo việc làm, mà còn bảo vệ môi trường. Khi đại dịch siết chặt các nguồn lực cần thiết để đầu tư vào việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và các mục tiêu liên quan đến biến đổi khí hậu, thách thức là rất lớn. Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, ADB cũng đã ước tính Đông Nam Á cần 210 tỷ USD/năm cho các khoản đầu tư giảm nhẹ và thích ứng khí hậu cho đến năm 2030.

Trái phiếu xanh và trái phiếu SDG

Cũng theo ADB, trái phiếu xanh và trái phiếu SDG sẽ cho phép các Chính phủ huy động vốn để tài trợ cho những dự án có thể thúc đẩy chương trình nghị sự xanh bền vững của Đông Nam Á. Trong đó, Phó Chủ tịch ADB khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, ông Ahmed M. Saeed lưu ý: “Trái phiếu xanh và trái phiếu chuyên đề là chìa khóa để mở khóa quy mô các dòng vốn trong thời gian ngắn nhất”.

Tính đến nửa đầu năm 2022, các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã huy động được tổng cộng 38 tỷ USD từ trái phiếu xanh và trái phiếu SDG, hoặc trái phiếu chuyên đề. Tuy nhiên, số tiền này chỉ chiếm hơn 1% tổng số đợt phát hành toàn cầu và không đáng kể so với nhu cầu hàng năm của khu vực.

Trong đó, Thái Lan và Indonesia nằm trong số những quốc gia trong khu vực tham gia thành công vào thị trường trái phiếu xanh. Thái Lan đã huy động được gần 6 tỷ USD từ đợt phát hành trái phiếu bền vững vào năm 2020, một trong những đợt phát hành đầu tiên trên toàn thế giới sau đại dịch, nhằm tài trợ cho nhu cầu cơ sở hạ tầng của quốc gia này. Đây cũng là đợt phát hành trái phiếu đầu tiên thuộc loại hình này của một quốc gia thành viên ASEAN, và đã cho thấy nhu cầu đặc biệt mạnh mẽ từ các nhà đầu tư.

Nhằm khuyến khích các quốc gia thành viên ASEAN khai thác thị trường trái phiếu, ADB hồi năm ngoái đã khởi động Sáng kiến Trái phiếu Xanh, Xã hội, Bền vững và các trái phiếu được dán nhãn khác cho Đông Nam Á. Sáng kiến này nhằm mục đích mở rộng quy mô phát hành trái phiếu xanh và trái phiếu theo chủ đề trên toàn khu vực thêm 1 tỷ USD cho đến năm 2025.

Trước đó vào tháng 11/2022, ADB cũng đã phê duyệt một chương trình hỗ trợ kỹ thuật trị giá 15 triệu USD, được hỗ trợ bởi các nguồn quỹ riêng của ADB và Quỹ Khí hậu Xanh, để phát triển những dự án thúc đẩy thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á.

Cơ hội tăng trưởng và kinh doanh

ADB cho rằng, biến đổi khí hậu cũng tạo ra các cơ hội tăng trưởng cho khu vực tư nhân. Một báo cáo năm 2022 của ADB lưu ý, việc đầu tư 172 tỷ USD vào giao thông đô thị bền vững, chuyển đổi năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp và đại dương có thể tạo ra lên tới 30 triệu việc làm trực tiếp ở Đông Nam Á vào năm 2030.

Các công ty hiện đang bắt đầu xem việc giảm thiểu và thích ứng với khí hậu là một cơ hội kinh doanh, và đang đưa ra những giải pháp phù hợp với các mục tiêu khử carbon của Chính phủ. Một ví dụ là Ananas Anam, nhà sản xuất một loại da thay thế bền vững có nguồn gốc từ lá dứa đang hoạt động tại Philippines. Công ty này đã nhận được 200.000 USD tài trợ hạt giống từ ADB Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm của ADB. Khoản tài trợ hạt giống này sẽ giúp công ty cải thiện các quy trình sản xuất và tạo ra loại da thay thế có tên là “Piñatex”, với chi phí cạnh tranh hơn so với các loại da truyền thống và da sinh học khác.

Được thành lập vào tháng 1/2020, ADB Ventures hỗ trợ và đầu tư vào các công ty ở giai đoạn đầu, với những giải pháp hỗ trợ công nghệ góp phần đạt được các mục tiêu SDG ở châu Á - Thái Bình Dương. ADB Ventures được kỳ vọng sẽ trở thành một nền tảng đầu tư công nghệ có tác động hàng đầu trong khu vực, thu hút hơn 1 tỷ USD vốn rủi ro cho các công ty ở giai đoạn đầu, từ đó mở ra tiềm năng về vốn và bí quyết công nghệ của khu vực tư nhân, nhằm góp phần đạt được các mục tiêu SDG.

Được biết, vào ngày 30/3 tới đây, Hội nghị chuyên đề Phát triển Đông Nam Á (SEADS) năm 2023 của ADB sẽ được tổ chức, nhằm tìm kiếm các công nghệ và giải pháp đổi mới sáng tạo, các cơ chế tài chính và chính sách có thể giúp Đông Nam Á đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

LÊ THẢO (Lược dịch từ Adb.org)