leftcenterrightdel
 Tùy vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hay lĩnh vực trọng điểm để phát triển nguồn nhân lực chất lượng

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Tại diễn đàn lấy ý kiến các chuyên gia về xây dựng đề án Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 hồi năm ngoái, PGS.TS. Võ Kim Sơn, giảng viên cao cấp Học viện Hành chính quốc gia cho rằng, phát triển nguồn nhân lực không quan trọng là cao hay thấp, mà chất lượng lao động phải đáp ứng được yêu cầu của xã hội với tầm nhìn rõ ràng và phù hợp nhu cầu thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đây là ý kiến không phải không có lý khi tỉnh đang còn nhiều khiếm khuyết trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển các lĩnh vực trọng điểm. Vì cho đến nay, ngay cả nguồn nhân lực chất lượng cao cho bốn lĩnh vực chủ lực của tỉnh: giáo dục, văn hóa - du lịch, y tế, khoa học công nghệ tuy cao hơn so với mặt bằng chung toàn tỉnh, song vẫn còn nhiều hạn chế.

Thực tế, qua các đợt dịch COVID-19 bùng phát và thời kỳ hậu dịch, nhiều ngành nghề, lĩnh vực chịu tác động, vừa tác động tiêu cực và tích cực. Những tác động này cũng làm ảnh hưởng đến lao động việc làm, đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh... Biểu hiện rõ nét là có những nghề xưa thịnh nay suy và ngược lại. Vì thế, việc định hình cho được nguồn nhân lực phải bám sát, nương theo đặc thù của từng ngành nghề, lĩnh vực cũng như xu hướng, thế mạnh phát triển cho thời gian tới. Để từ đó có một dự báo tốt về nguồn nhân lực cho từng ngành nghề, lĩnh vực, khu vực hợp lý.

Trong kế hoạch xây dựng phát triển khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế, tỉnh cần 10.000 nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin đến năm 2025. Theo Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh, nếu chỉ dựa vào nguồn đào tạo từ Đại học Huế và các trường đại học trên địa bàn, tối đa chỉ đạt khoảng 2.000 người sau 5 năm đào tạo. Để có đủ nguồn nhân lực công nghệ thông tin cần có chính sách chiêu mộ, đãi ngộ từ các trung tâm, lò đào tạo chuyên ngành trong nước bằng cách liên doanh, liên kết.

Hay để xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước, thì cần phát triển đội ngũ này tại nhiều vị trí công việc, nhiều cấp, ngành. Nên để có đủ nguồn nhân lực và đảm bảo tạo ra việc làm cho nguồn nhân lực này, công tác dự báo cần đi trước một bước. Tiếp đến là tìm kiếm, tập hợp từ nguồn nhân lực hiện có (nếu cần thiết có thể đào tạo lại) và nguồn nhân lực mà các doanh nghiệp đang cần, sắp cần, thị trường lao động cần để liên doanh, liên kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng.

Tạo ra giá trị cho xã hội

Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao nhằm đưa nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế đặc biệt quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành mũi nhọn, trọng điểm, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh. Nghị quyết cũng đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động tại Thừa Thiên Huế qua đào tạo đạt 70-75%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30-35%.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong gần 562 nghìn lao động đang làm việc tại Thừa Thiên Huế, tổng việc làm của nhóm nhân lực chất lượng cao là 80,72 nghìn lao động, chiếm khoảng 14,38% tổng việc làm toàn tỉnh. Ngoài ra, có 11,5% số lao động có việc làm yêu cầu kỹ năng cao, 78,7% số lao động có việc làm yêu cầu kỹ năng trung bình và 9,6% yêu cầu kỹ năng thấp.

Để có cơ sở dự báo thông tin thị trường lao động, cơ sở hoạch định các chính sách việc làm và phát triển nguồn nhân lực, ngành LĐ-TB&XH vừa tiến hành thu thập thông tin về thực trạng lao động, việc làm thuộc các loại hình, ngành kinh tế, việc sử dụng và nhu cầu tuyển dụng lao động... Đồng thời, qua đó giúp xác định hướng đào tạo và kết nối, cung ứng hiệu quả nguồn nhân lực phù hợp với thị trường lao động và thực tế phát triển của địa phương.

Nhiều ý kiến cũng chỉ ra, tỉnh nên có cơ chế hình thành, phát triển các viện, trung tâm nghiên cứu sáng tạo cấp tỉnh, kể cả viện tư nhân, nước ngoài để người lao động có nơi nghiên cứu, có việc làm. Sắp xếp các trường trung cấp, cao đẳng lại thành một hệ thống, nâng cao chất lượng mạng lưới giáo dục - đào tạo. Quan tâm đến nguồn lao động ngoài khu vực công, vì đây là lực lượng quan trọng, tạo ra sản phẩm cho xã hội. Trong đó chú trọng đảm bảo tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG