leftcenterrightdel
Để trở thành trung tâm KHCN lớn trong khu vực và cả nước, việc chuẩn hóa nguồn nhân lực chất lượng là tất yếu 

Thừa Thiên Huế là một trong số ít các địa phương đã phê duyệt quy hoạch phát triển KHCN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để bắt nhịp thời đại công nghiệp 4.0 và thời kỳ hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, so sánh với tiềm năng, thế mạnh ở địa phương hiện nay, nguồn nhân lực này vẫn còn thấp, chưa phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương. TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, đội ngũ trí thức tuy đông nhưng chưa đồng bộ về cơ cấu ngành nghề và phân bố vùng miền; nhiều lĩnh vực vẫn thiếu chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành.

Đội ngũ KHCN trên địa bàn tỉnh gần đây có gia tăng số lượng và trình độ, nhưng chất lượng thực tế chưa tương xứng, nhất là thiếu các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực KHCN ưu tiên, như khoa học kỹ thuật: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, ứng dụng công nghệ cao trong y, dược...

Nguồn nhân lực KHCN hiện nay phân bố không đều, cơ cấu, trình độ chưa hợp lý theo vùng, miền và lĩnh vực hoạt động; trong đó khu vực tư nhân và doanh nghiệp còn thấp. Theo thống kê của ngành KHCN, toàn tỉnh hiện có 15.124 cán bộ công tác ở các tổ chức, ban, ngành, địa phương. Trong đó, cấp huyện, thị xã có 5.065 người, chiếm 33,49%; các đơn vị thuộc cấp tỉnh 1.052 người, chiếm 6,96%; các tổ chức, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn 1.608 người, chiếm 10,63%; các đơn vị, doanh nghiệp KHCN 179 người, chiếm 1,18%; Đại học Huế có 4.088 người, chiếm 27,03%; ngành y tế trực thuộc Sở Y tế 3.132 người, chiếm 20,71%...

Thời gian qua, cơ chế quản lý đối với nhân lực KHCN chưa phù hợp và còn nhiều bất cập. Tỉnh chưa có các chính sách về thu hút và sử dụng nhân lực KHCN. Do đó, chưa tạo được động lực cống hiến và phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức KHCN, nhất là người có trình độ cao, tài năng trẻ và người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài.

Hoạt động KHCN có tính đặc thù, nhưng chế độ sử dụng nhân lực trong lĩnh vực này đến nay chưa có nhiều khác biệt so với nhân lực trong các lĩnh vực khác. Sự kết nối giữa nhân lực làm KHCN và nhân lực trong doanh nghiệp còn hạn chế, chưa phát huy được tiềm lực, vai trò nguồn nhân lực KHCN cho phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện chiến lược đến năm 2025, mỗi ngành trọng điểm thế mạnh của tỉnh sẽ có 3-5 chuyên gia hàng đầu ở tầm quốc gia và phấn đấu đạt 10.000 lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hay nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng, chất lượng cho lĩnh vực công nghệ khoa học tự nhiên, xã hội nhân văn, y dược, công nghệ sinh học... cần tăng cường kỹ năng chuyên sâu cho từng ngành nghề, đào tạo theo địa chỉ, hợp đồng, liên kết chủ thể đào tạo với doanh nghiệp và với nhà tuyển dụng. Đồng thời, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa chủ thể đào tạo và nghiên cứu khoa học (trường, viện...) trong, ngoài nước với đa dạng loại hình đào tạo gắn chất lượng phát triển nguồn nhân lực KHCN. Tạo điều kiện môi trường làm việc cho cán bộ KHCN phát triển tài năng, tạo ra giá trị lợi ích sáng tạo cho địa phương được hưởng lợi xứng đáng. Xây dựng mở rộng chính sách thu hút nhân tài, quan tâm hơn đến việc xác định nhu cầu và tiêu chuẩn cán bộ cần thu hút. Có chính sách đầu tư tài chính của tỉnh đi đôi với khuyến khích và tạo điều kiện để huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bài, ảnh: Song Minh