leftcenterrightdel
Người dân khai thác mủ cao su 

Ông Trần Công Thành, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Đông thông tin, diện tích cao su trên địa bàn huyện hiện giảm chỉ còn khoảng 1.300ha. Năm 2022, sản lượng ước đạt 6.370-6.615 tấn mủ đông. Giá mủ đông hiện nay dao động chỉ từ 11-13 ngàn đồng/kg tùy thuộc vào chất lượng mủ. Diện tích cao su bị giảm do giá mủ cao su liên tục giảm, ở mức thấp trong nhiều năm qua, thêm vào đó chất lượng vườn cây giảm nên người dân chặt bỏ.

Cơ hội mới mở ra khi mới đây Trung Quốc mở cửa trở lại, người trồng cao su trên địa bàn tỉnh lại khấp khởi. Tuy nhiên, từ ngày Trung Quốc mở cửa đến nay vẫn chưa thấy tín hiệu khả quan nào trong việc tăng giá cao su, thậm chí giá còn tiếp tục giảm sâu so với trước. Người dân Nam Đông đang tiếp tục chặt cây lấy gỗ bán, chuyển sang trồng keo và các các loại cây khác.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Công ty CP Thu mua và chế biến mủ cao su tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, chưa bao giờ người trồng cao su lại ảm đảm như những năm trở lại đây. Từ cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu, giờ cao su đẩy người dân vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” do giá quá thấp, liên tục giảm. Hằng năm, cây cao su cũng cần chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, trong khi giá lại giảm mạnh khiến người dân thua lỗ.

Ông Thanh cho rằng, giá cao su giảm là xu thế chung của toàn thế giới, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc. Giá nguyên liệu tại Thừa Thiên Huế hiện tại chỉ 26 triệu đồng/tấn, giảm 3 triệu so với tháng trước. Trong khi đó, giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 1/2023 ở mức 1.354 USD/tấn, giảm 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính trong hai tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su cả nước đạt 266,14 ngàn tấn, trị giá 367,8 triệu USD, giảm 9,5% về sản lượng và giảm 28,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 1, Việt Nam xuất khẩu gần 135 ngàn tấn cao su, trị giá 182,6 triệu USD, giảm 50,2% về lượng và giảm 50% về trị giá so với tháng 12/2022. So với tháng 1/2022, giảm đến 30% về lượng và giảm gần 45% về trị giá sản phẩm.

Lâu nay, nhiều mặt hàng nông sản phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường tiềm năng, giúp nông dân tiệu thụ lượng lớn sản phẩm, ổn định cuộc sống. Nhiều nông dân, lái buôn, doanh nghiệp ăn nên làm ra. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nước này gặp sự cố, dịch bệnh, đóng cửa… Thực tế cho thấy, cây cao su gần như “chết đứng” từ nhiều năm nay.

Mở rộng, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ được xem là một trong những giải pháp phát triển nông sản ổn định, bền vững. Các doanh nghiệp đang nỗ lực đưa nông sản, nhất là hải sản vươn ra các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật… Song, yêu cầu chất lượng sản phẩm sẽ khắt khe hơn. Các doanh nghiệp, thương nhân nông sản cần phải chuyển xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch nhằm giảm thiểu rủi ro.

Từ đầu tháng 3/2023 đến nay, giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á biến động mạnh. Giá cao su tại Nhật Bản và Thượng Hải so với cuối tháng trước giảm mạnh, trong khi giá tại Thái Lan tăng. Thị trường bị ảnh hưởng, giá cao su giảm bởi thông tin Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế thận trọng.

 

Bài, ảnh: Hoàng Triều