leftcenterrightdel
 Phải chế tài để hình thành thói quen tự giác vứt rác đúng nơi quy định

Từ bệnh viện trở về cơ quan không xa, lại đi qua đường Ngô Quyền rợp mát cây xanh, tôi quyết định thả bộ cho người được vận động tí.

Đường Ngô Quyền vốn nổi tiếng với đôi hàng lim xẹt (mà nhiều người vẫn quen gọi với cái tên điệp vàng). Đôi hàng cây khép tán, chen kín cả con đường. Mùa rụng lá, và nhất là vào mua hoa nở, những cánh lá bay bay theo gió, hay thảm hoa trải vàng khắp mặt đất khiến cho đường Ngô Quyền trở nên đẹp đến huyền hoặc.

Đường Ngô Quyền đẹp thế, nhưng trước đây lại không có lề. Nhiều người tiếc rẻ và mơ về sự hiện diện đôi bờ lề nơi đây nữa thì sẽ vô cùng tốt cho cảnh quan thành phố. Và giờ đây, ước mơ ấy đã thành hiện thực. Tuy có chỗ rộng hẹp khác nhau do điều kiện các công trình xây dựng 2 bên, nhưng như vậy đã là quá tốt: Lề được bó vỉa, lát gạch terrazzo, xây bồn cho hệ thống cây xanh, có khu vực đỗ ô tô, xe máy… Nói chung là sáng sủa và đẹp.

Vậy nhưng, mọi khi đi qua cứ chạy xe ào ào không để ý. Bây giờ thả bộ, mới thấy những điều tồn tại. Ấy là, cả tuyến phố xanh tươi đẹp đẽ như thế, nhưng các bồn cây thì chưa đồng bộ và chưa đẹp mắt. Bồn thì trọc lốc không hoa không cỏ, bồn thì cỏ dại um tùm… Dưới gốc cây thấy lẩn khuất nào giấy, hộp xốp, vỏ chai, vỏ lon, thậm chí có bồn còn được ai đó đặt thêm cái thùng xốp để làm chỗ tập kết rác thải. Cảnh ấy đập vào mắt, khiến khách bộ hành giảm mất hứng thú và ít nhiều tổn thương mối thiện cảm. Chả biết chủ nhân là ai, nhưng chắc chắn, họ đều là những người ý thức rất kém. Nhất là khi đang sống, hoặc đang đến, với đất Huế - nơi mà từ nhiều năm qua, phong trào ngày chủ nhật xanh, thành phố 4 mùa hoa, nói không với túi ni lông và rác thải nhựa… đã được phát động, được hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ.

Huế đang mỗi ngày mỗi sáng, xanh, sạch, đẹp. Tỷ lệ thuận với điều đó là có rất nhiều những địa chỉ, những điểm đến thu hút du khách và người địa phương ra khỏi nhà tìm đến thư giãn, vui chơi, đạp xe, thể dục… và nhất là để “check-in” lưu lại cho mình những kiểu ảnh lung linh đẹp và ắp đầy kỷ niệm. Tuy nhiên, cũng thật đáng buồn là sau khi rời đi, một số người đã “cảm ơn” nơi đến bằng… rác. Thật vô cùng đáng trách. Ngay tại những điểm linh thiêng như đồi thông chùa Từ Hiếu, hay tại Minh Lâu của lăng vua Minh Mạng mà chúng tôi vừa ghé qua cách đây mấy bữa, tôi và những người bạn đã không thể ngó lơ mà phải cùng nhau nhặt rác bỏ vào chiếc thùng rác được đặt cạnh đó không xa. Trong các công viên cũng vậy, người em của tôi làm việc tại Trung tâm Công viên cây xanh Huế từng nỗi niềm, anh chị em công nhân vừa sáng sớm đã lo quét tướt cho công viên tinh tươm để đón ngày mới. Nhưng quay đi quay lại chút, đã lại có bao ni lông, hộp xốp… của ai đó vừa điềm nhiên bỏ lại. Khốn khổ cho anh chị em công nhân, vừa lúc có vị lãnh đạo nào đó cũng đi bộ thể dục hoặc đạp xe lướt qua, bắt gặp rác, vậy là bị phê bình láng gáy. Tình ngay lý gian, “tang chứng” rành rành, làm sao có thể giải thích?!!

Phong trào đã phát động, được hưởng ứng và có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo hiệu ứng tích cực làm thay đổi diện mạo của nhiều địa phương, nhất là đô thị Huế theo hướng xanh hơn, sạch hơn, đẹp đẽ hơn. Tuy nhiên, chỉ một số ít người chây ì, không chịu thay đổi thói quen bạ đâu xả đấy mà có nơi, có khi làm ảnh hưởng cả phong trào, gây tổn hại mỹ quan đô thị, mỹ quan điểm đến. Có giải pháp nào để “chỉnh đốn” loại hành vi rất đáng phê phán này? Tuyên truyền, giáo dục? - Chúng ta đã từng làm và vẫn đang tiếp tục làm. Tiếc là người ý thức thì chỉ cần nói ít, người ta hiểu và tự giác làm theo ngay, kể cả những em nhỏ cũng vậy. Còn người không ý thức, số này dù nói rồi hay có nói nữa, xem chừng vẫn không chịu biến chuyển. Không cách nào khác, theo chúng tôi phải áp dụng chế tài nghiêm túc, mạnh mẽ vào.

Điều quan trọng là làm sao để phát hiện vi phạm, bắt tận tay, day tận trán để xử cho tâm phục khẩu phục, từ đó sợ và buộc phải hình thành thói quen chấp hành. Nhiều người đề xuất, trong xu hướng chuyển đổi số như hiện nay, hãy lắp đặt camera để phát hiện, trích xuất, xử lý. Huế đã có nền tảng Hue-S vận hành rất hiệu quả, chỉ cần tăng dày thêm hệ thống camera thì việc điều chỉnh những hành vi thiếu ý thức như trên vừa kể là rất khả thi. Vấn đề còn lại là kinh phí. Dạo quanh một vòng thấy rất nhiều tư gia cũng đầu tư lắp được camera giám sát, điều đó cho thấy kinh phí cho mỗi con “mắt thần” như vậy có lẽ không là cái gì quá áp lực. Vận động xã hội hóa, Nhà nước và Nhân dân cùng làm, trên nguyên tắc minh bạch, có sự giám sát của Nhân dân, Nhân dân cũng trước hết là người thụ hưởng, chúng tôi nghĩ câu chuyện camera hẳn sẽ có một kết thúc đẹp và có hậu.

Bài, ảnh: HÀN YÊN