Quy trình sản xuất bánh ép của Công Ty TNHH MTV Hue One Food |
Tạo niềm tin cho khách hàng
Tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Yến sào xứ Huế Anna, các quy trình sản xuất được công ty áp dụng theo tiêu chuẩn ISO 2200:2018. Hệ thống nhà nuôi yến được thiết kế hiện đại, có thiết bị cài đặt âm thanh tự động để thu hút yến tìm đến sinh sống, làm tổ. Ngoài ra, công ty cũng đầu tư máy tạo độ ẩm thích hợp làm môi trường sống lý tưởng để đảm bảo sức khỏe cho nguồn giống.
Quy trình chế biến yến sào được đảm bảo đạt tiêu chuẩn ISO 2200:2018 quy định. Yến sau khi thu hoạch được loại bỏ tạp chất bằng cách ngâm tổ yến bằng nguồn nước đã qua xử lý để loại bỏ các vi sinh vật, lông tơ yến. “Quy trình này được chúng tôi áp dụng cho sản phẩm yến sấy khô và ép thành khuôn như hình dạng ban đầu. Quy trình chế biến này vừa đảm bảo vệ sinh an toàn, vừa giữ nguyên được hương vị của yến”, anh Lê Văn Lộc, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Yến sào xứ Huế Anna cho biết.
Với sản phẩm nước yến đóng hũ thủy tinh, công ty áp dụng công đoạn tiệt trùng, chưng ở áp suất và nhiệt độ cao để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn, gia tăng hạn sử dụng một cách an toàn. “Nhờ áp dụng ISO 2200:2018 giúp chúng tôi vươn tới sự hoàn thiện trong cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Nhiều đối tác đã tin tưởng tìm đến công ty, đơn đặt hàng tăng lên hàng quý, hàng năm. Hiện chúng tôi đang mở rộng quy mô sản xuất, quy mô nguồn nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu thị trường”, anh Lộc thông tin.
Công ty TNHH MTV Hue One Food lại áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP để sản xuất bánh ép Huế. Đây là tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng, giúp doanh nghiệp, tổ chức kiểm soát giới hạn các mối nguy hình thành trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm.
Bánh ép Huế thương hiệu Hue One Food được chế biến từ bột khoai mì, nhân tôm, thịt, hành lá, sả ớt. Nguồn nguyên liệu này được đưa vào sử dụng đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy phép chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Khu vực sản xuất, chế biến được thiết kế theo quy tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng để tránh lây nhiễm chéo, các dụng cụ và máy móc đều được kiểm soát đảm bảo an toàn vệ sinh theo định kỳ.
Bà Kim Thị Mỹ Thùy, đại diện Công ty TNHH MTV Hue One Food cho biết, áp dụng tiêu chuẩn HACCP giúp công ty cải tiến được năng lực sản xuất, mọi công đoạn đều đảm bảo kiểm soát chặt chẽ từ công nhân đến máy móc, dụng cụ. Theo bà Thùy, khi chưa áp dụng tiêu chuẩn HACCP, công ty sản xuất từ 10 đến 15 thùng bánh/ngày, nhưng sau khi áp dụng tiêu chuẩn HACCP và sử dụng hệ thống máy móc hiện đại thì năng suất tăng lên 30 đến 40 thùng/ngày.
Cũng áp dụng tiêu chuẩn HACCP, HTX Sản xuất và chế biến nông sản Quảng Phú với thương hiệu Huenus đã phát triển sản phẩm đậu phộng tỏi ớt Huenus thành món ăn dân dã hấp dẫn, có hương vị độc đáo. Nguyên liệu đậu phộng và các gia vị chế biến được HTX thu mua tại các cơ sở uy tín, hạt đậu được lựa chọn nghiêm ngặt, có kích thước tròn đều, không bị hư mốc. HTX đã đầu tư máy rang để làm cho hạt đậu chín đều từ trong ra ngoài đảm bảo có độ giòn. Sản phẩm cũng được hút chân không nên bảo quản được lâu, an toàn khi sử dụng. Đồng thời, hệ thống nhà xưởng, thiết bị máy móc luôn được kiểm tra định kỳ.
Hiện HTX Sản xuất và chế biến nông sản Quảng Phú Huenus đã có 6 nhà phân phối trên trong toàn quốc. Anh Ngô Minh Hiếu, Giám đốc HTX Sản xuất và chế biến nông sản Quảng Phú Huenus cho biết, áp dụng tiêu chuẩn HACCP giúp HTX có bộ tiêu chuẩn để đánh giá các yếu tố trong sản xuất, giảm nhân công, hiệu quả tinh gọn hơn trong sản xuất, giúp sản phẩm uy tín hơn với thị trường. “Gần 2 năm nay, tốc độ tăng trưởng trung bình của HTX đạt 125% mỗi tháng, chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, và dựa trên tiêu chuẩn này sẽ mở rộng một số sản phẩm khác từ đậu phộng”, anh Hiếu cho hay.
Quy trình sản xuất bánh ép của Công ty TNHH MTV Hue One Food |
Đồng hành với doanh nghiệp
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, năm qua sở đã triển khai dự án tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn cho các DN áp dụng các hệ thống công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, đặc biệt là các DN sản xuất thực phẩm áp dụng các hệ thống quản lý tiến tiến về an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 2200:2018 hay HACCP. Sau khi áp dụng, các DN có những hoạt động hiệu quả, năng suất trung bình tăng từ 20 – 30% so với trước khi đầu tư.
Hiện trên địa bàn tỉnh, có hơn 100 DN, HTX, cơ sở sản xuất được tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế cải tiến năng suất và chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, để xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm không phải đơn giản, mà cần phải đầu tư về con người, trang thiết bị, hồ sơ và các thủ tục liên quan. Được sự đồng hành, quan tâm hỗ trợ của các cơ quan chức năng sẽ là động lực giúp các DN thuộc lĩnh vực sản xuất thực phẩm có cơ hội tiếp cận đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp DN vững bước đi con đường dài.