Bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi. Ảnh minh họa: Nguyễn Phong |
Tiền không còn quá đắt, ít nhất là so với vài tháng trước đây. Điều này có thể nhìn thấy khi tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng và tỷ giá liên ngân hàng đã hạ nhiệt vào cuối tuần trước, đồng thời lãi suất tiền đồng bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm xuống chỉ còn 1,2%/năm, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022 và giảm tới 2,2 điểm % so với cuối tuần trước. Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã giảm khoảng 1,5-2 điểm % so với cuối năm 2022, dao động trong khoảng 7,2-8,2% và ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất huy động đã dưới 9%.
Về mặt chính sách, bên cạnh việc thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án (DA) và doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là những tác động khác từ việc ban hành các Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và sau đó là Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 về chào bán, giao dịch và gia hạn trái phiếu DN riêng lẻ; Nghị định 33 về tái giãn nợ gốc, lãi vay và cơ cấu lại nhóm nợ, tạo những tác động tích cực trong việc làm ấm lại thị trường BĐS nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Tác động khác là việc người dân đang chờ những thay đổi sau khi Quốc hội lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Về mặt thị trường, dù chưa nhiều nhưng với con số 20.000 tỷ đồng trái phiếu mà các DN BĐS huy động được kể từ ngày 5/3 cho đến gần cuối tháng 3 cũng cho thấy, niềm tin đã bắt đầu quay lại sau thời gian lao dốc vào cuối năm 2022 (cả năm 2022 chỉ ghi nhận hơn 62.000 tỷ đồng ở khối lượng trái phiếu, chỉ đạt 21% so với 2021 - số liệu của Chứng khoán VNDirect). Cùng với việc giảm lãi suất cho vay từ 1-2%, một số ngân hàng cũng đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi và việc tiếp tục giảm lãi suất vẫn là điều được kỳ vọng trong thời gian tới. Ở đây có lẽ còn là sự xuất hiện của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hướng tới phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, DA cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở quy mô toàn quốc… với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5-2% lãi vay bình quân trên thị trường.
Nhìn một cách tổng quát, dòng tiền từ tín dụng và trái phiếu đã có tín hiệu được khơi thông và quay trở lại thị trường. Đó cũng là chỉ dấu phục hồi BĐS về điều kiện và cơ hội để phá băng. “Thị trường BĐS sẽ sớm phục hồi trong năm 2023” là điều mà PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trao đổi với truyền thông. Theo ông, muốn vận hành bất cứ thị trường nào, trong đó có thị trường BĐS thì phải có cung, có cầu và có tiền. Tình trạng ngưng trệ trong thời gian qua không xuất phát từ cung, cầu mà do thiếu tiền nên mất tính thanh khoản. Vì thế nên “khi van tín dụng, chứng khoán, trái phiếu được mở, thì tiền đổ vào thị trường. Cung có, cầu có, tiền có, thì tính thanh khoản tăng, thị trường phục hồi là tất yếu”.
Phải điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, phân khúc thị trường để giá BĐS hợp lý hơn và phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân. Rà soát các DA nhà ở, BĐS để cùng DN xử lý vướng mắc pháp lý, nhất là các DA có phát hành trái phiếu DN, hay có bảo lãnh, vay vốn ngân hàng và huy động vốn từ người mua nhà...là động thái mang tính thúc đẩy của Thủ tướng Chính phủ trong văn bản chỉ đạo số 178/TTg-CN ngày 27/3/2023 về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường BĐS.
Sự đảo chiều của thị trường này chắc chắn sẽ không đến ngay, nhưng có lẽ sẽ có nhiều chuyển động tích cực và đó cũng là tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung. Cho dù tâm lý của người mua vẫn còn là vấn đề sau một thời kỳ “sang chấn”, nhưng quan sát và nghe ngóng, chúng ta có thể nhận thấy những nhúc nhắc, rục rịch ban đầu và bây giờ mới là những ngày cuối của tháng 3/2023.