leftcenterrightdel
Văn hóa, đạo đức công vụ kết hợp với quy định hiện hành có ý nghĩa quyết định hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, là giải pháp quan trọng thực hiện mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Ảnh: TTXVN  

1. Cán bộ trong bộ máy Nhà nước thực hiện theo Luật Công chức, Luật Viên chức, quy định đặc thù của từng ngành nhưng các luật, quy định chưa điều chỉnh hết những hành vi cụ thể. Theo nguyên tắc người cán bộ phải thực hiện theo nghĩa vụ và quyền hạn, nhưng làm như thế nào lại phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm của từng người. Thái độ thiếu chủ động, chậm thực hiện hoặc làm trái chức năng đang tồn tại trong nhiều cơ quan, gây trì trệ trong thực thi nhiệm vụ. Những cơ quan không làm việc trực tiếp với người dân, thiếu quy chế chặt chẽ, thủ trưởng không quản lý thì nhân viên tranh thủ chạy việc riêng, “chân ngoài dài hơn chân trong”, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ... đang tồn tại.

Cán bộ lãnh đạo, quản lý dù đã được bổ nhiệm theo đúng chức năng, nhiệm vụ nhưng nhiều nơi lãnh đạo vẫn có những biểu hiện thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái quy định vì động cơ cá nhân, bị tha hóa, lợi dụng quyền lực, áp đặt, quan liêu, mệnh lệnh, thái độ hách dịch, xử lý thiếu bình đẳng, trù dập cán bộ bên dưới. Bên cạnh đó, lợi dụng cơ chế quản lý tài chính chưa chặt chẽ đã tạo cho lãnh đạo chi dùng trái nguyên tắc, gây lãng phí và tham nhũng.

Cán bộ cấp dưới dù biết tiêu cực nhưng không dám đấu tranh, tố cáo, tích tụ lâu ngày, tạo nên lục đục, mất đoàn kết.

Xây dựng chuẩn mực văn hóa, đạo đức công vụ phải dựa vào đặc điểm để đề ra chuẩn mực sát hợp. Quan điểm bao trùm là thượng tôn pháp luật, trong đó đặt ra cần có những chuẩn mực văn hóa, đạo đức. Không chỉ đơn giản là văn hóa ứng xử, mà có sự kết hợp với giá trị của con người, giá trị nhân văn, hướng tới sự hài lòng của người dân. Đề án văn hóa công vụ được Chính phủ ban hành phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện gắn với quá trình vận động của bộ máy quản lý trong thời kỳ mới. Nền tảng là những quy định cụ thể, tạo cho mỗi cán bộ thực hiện tốt nhất hiệu quả trong công việc.

2. Trong nhiệm kỳ XII, Đảng ta ban hành 2 nghị quyết quan trọng có liên quan: Nghị quyết 18- NQ/TW ngày 28/10/2017 “Một số vấn đề tiếp tục sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Chính phủ ban hành một số văn bản liên quan đến điều chỉnh hoạt động văn hóa công vụ: Quy chế văn hóa công sở, Đề án văn hóa công vụ (2018)…

Như vậy để thấy chỉ dùng luật chưa thể đáp ứng được yêu cầu mà cần xây dựng chuẩn mực văn hóa, đạo đức nhằm tiến tới hoàn thiện, lành mạnh hoạt động công vụ. Văn hóa, đạo đức công vụ kết hợp với quy định hiện hành có ý nghĩa quyết định hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, là giải pháp quan trọng thực hiện mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Yêu cầu sớm hoàn thiện chuẩn mực văn hóa, đạo đức làm cơ sở để điều chỉnh cán bộ và cán bộ lãnh đạo, quản lý. 

Trước hết, mỗi cán bộ cần tự giác nêu gương để khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa về đạo đức cách mạng, đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phi đạo đức trong công vụ. Từng bước loại bỏ tư duy lấy cơ quan Nhà nước để tiến thân, “chọn việc nhẹ, thu nhập cao”. Mặt khác, phải chống thái độ thờ ơ, vô cảm trước nguyện vọng chính đáng của công dân, loại bỏ thái độ làm việc gây phiền hà, sách nhiễu, “làm luật” trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính...

Đề cao vai trò của văn hóa, đạo đức công vụ cần nâng cao chất lượng tuyển chọn, sắp xếp, đánh giá, bổ nhiệm... theo hướng dân chủ, khách quan, minh bạch. Cải tiến môi trường công tác lấy ứng xử văn hóa, đạo đức làm trung tâm; năng lực, trách nhiệm làm tiêu chí; hiệu quả công việc, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo; quan niệm cơ chế “xin - cho” cần từng bước loại bỏ, xác định thái độ phục vụ, tạo điều kiện tốt nhất cho đối tượng phục vụ.

Đổi mới tư duy của lãnh đạo thay vì coi cấp dưới là đối tượng quản lý chuyển sang đánh giá trên tinh thần coi trọng sáng tạo của cán bộ, quan tâm chia sẻ khó khăn của nhân viên dưới quyền. Người lãnh đạo cần công minh trong việc dùng người, cất nhắc đề bạt cán bộ, tránh cục bộ, thiên vị, “nâng đỡ không trong sáng”... Xây dựng môi trường lành mạnh, làm việc khoa học, không để các thành viên nghi kỵ, mất đoàn kết, thiếu tính xây dựng trong từng cơ quan đơn vị.

Bổ sung, xây dựng hoàn thiện văn hóa, đạo đức công vụ với các phẩm chất về chính trị, đạo đức, năng lực, trách nhiệm là hết sức cần thiết, từng bước tạo môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, văn hóa để hoàn thiện nền hành chính công vụ trong giai đoạn mới.

NGUYỄN AN HÒA