leftcenterrightdel
Khách hàng ký tên trên ứng dụng sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký 

Đổ xô đi chuẩn hóa

Sáng 30/3, cửa hàng Trung tâm MobiFone đón lượng lớn KH đến cập nhật, chuẩn hóa thông tin.

Sau gần 60 phút chờ đợi, anh Hoàng Văn Huy (ở TP. Huế) mới hoàn tất thủ tục đăng ký. Anh kể, số điện thoại của anh dùng từ trước năm 2000 đến nay, nhưng chưa đăng ký chính chủ. “Sau khi đọc được thông tin trên báo đài về việc thuê bao không chính chủ sẽ bị khóa, tôi tranh thủ đến làm thủ tục theo đúng quy định. Dù chờ lâu nhưng từ nay sim đã hợp lệ nên cũng an tâm”, anh Huy nói.

Bà Võ Thị Thanh Hiền, Phụ trách cửa hàng MobiFone cho biết, số lượng khách tăng đột biến những ngày gần đây. Để đáp ứng nhu cầu, đơn vị đã tăng thời gian giao dịch từ 6h30 – 22h hàng ngày (trước đây từ 7h – 21h).

“Ngoài giao dịch viên, kể cả nhân viên văn phòng cũng tập trung hỗ trợ trong và ngoài sảnh. Hiện, bình quân mỗi ngày có khoảng gần 1.000 KH đến cửa hàng của MobiFone để cập nhật thông tin và ngoài 2 cửa hàng trung tâm ở TP. Huế và 8 ở các huyện, thị, MobiFone còn tổ chức các điểm di động để thuận tiện cho khách cập nhật”, bà Hiền thông tin.

Không có thời gian đến cửa hàng để đăng ký, chị Hoàng, nhân viên Công ty CP Dệt may Huế chọn thao tác trên ứng dụng của nhà mạng nhưng liên tục bị báo lỗi, cập nhật không được. “Trước đó người nhà tôi vẫn đăng ký được, nhưng 2 hôm nay tôi vào mạng thực hiện cứ đến phần chụp ảnh căn cước công dân là bị lỗi”, chị Hoàng phàn nàn.

Lý giải điều này, bà Hiền cho hay, khách hàng muốn cập nhật thì vào trang web tttp.mobifone.vn sẽ thực hiện rất nhanh. “MobiFone đang bố trí nhân viên xử lý dữ liệu nên ngay trong ngày sẽ chuyển sang thông tin mới cho khách một cách nhanh nhất. Riêng app My MobiFone đúng là quá tải do lượng khách truy cập nhiều”, bà Hiền nhìn nhận.

Từ 26/3 đến nay, Trung tâm Kinh doanh VNPT Thừa Thiên Huế cũng đón lượng KH tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu, trong 2 ngày 30 và 31/3, VNPT tiếp tục tăng cường nhân lực tối đa phục vụ cũng như kéo dài thời gian giao dịch đến 22h. Bộ phận giám sát cũng thường xuyên theo dõi trên camera để nếu thấy khách đông sẽ kịp thời bổ sung nhân lực hỗ trợ.

Việc quá tải, theo ông Nguyễn Xuân Thủy - Phó Giám đốc VNPT Thừa Thiên Huế, Giám đốc trung tâm Kinh doanh do có nhiều khách hàng chủ quan không đến làm sớm hoặc không rành về công nghệ nhưng chờ “nước đến chân mới nhảy”. Vì vậy, sát “giờ G” mới đổ xô đi đăng ký trực tiếp. Hoặc có những KH thông tin đúng quy định, nhưng lo lắng không biết có thuộc đối tượng cần chuẩn hóa nên vẫn đến các cửa hàng để hỏi hoặc vào app kiểm tra thông tin, điều này góp phần làm quá tải tại các cửa hàng và mạng lưới những ngày qua.

leftcenterrightdel
 Hướng dẫn khách hàng đến đăng ký thông tin thuê bao chính chủ

Còn nhiều thuê bao chưa cập nhật

Khác với 2 nhà mạng MobiFone và VinaPhone, tại cửa hàng Trung tâm Viettel, lượng KH đến chuẩn hóa thông tin khá thưa thớt.

“Viettel cho chuẩn hóa đến tận xã, tức là giao danh sách đến từng nhân viên và đội ngũ này sẽ gọi điện thoại đến từng người để thông báo, hẹn KH đến khu vực quy định (trụ sở UBND xã hoặc điểm công cộng, các hệ thống kênh điểm bán) để thực hiện. Với trường hợp đặc biệt, nhân viên đến tận nhà để chuẩn hóa thông tin thuê bao cho KH. Tại các cửa hàng trung tâm của Viettel sẽ không bị dồn ứ, vì vậy, nơi đây sẽ nhẹ tải hơn so với các đơn vị khác”, Giám đốc Viettel Thừa Thiên Huế Nguyễn Huy Quang bày tỏ.

Hiện Viettel đã chuẩn hóa cho gần 70% thuê bao cần chuẩn hóa theo quy định. “Chúng tôi đã phối hợp với Sở TT&TT thông báo trên Hue-S tăng thời gian giao dịch từ 29/3 đến 8/4. Như vậy, những KH sau 31/3 chưa kịp chuẩn hóa thông tin vẫn có thể đến các cửa hàng của Viettel để chuẩn hóa và mở khóa 1 chiều. Ông Quang cũng lưu ý, Bộ TT&TT quy định khóa chiều gọi đi với thuê bao di động có thông tin chưa chuẩn, không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sau 31/3 chứ không phải hủy sim, nên sau thời điểm này KH chính chủ nhưng chưa chuẩn hóa kịp chỉ cần đến nhà mạng để làm thủ tục chuẩn hóa theo quy định.

Riêng nhà mạng VinaPhone, theo ông Nguyễn Xuân Thủy, số khách hàng của VinaPhone tại Huế buộc phải điều chỉnh thông tin là gần 5.500 thuê bao. “Đến nay, VNPT đã thực hiện khoảng 60% lượng khách này. Số thuê bao còn lại chưa điều chỉnh, nhân viên của chúng tôi đã gọi điện gặp 5 lần theo quy định, nhưng KH chưa đến làm thủ tục chuẩn hóa”, ông Thủy cho hay.

Để đẩy nhanh tiến độ, các nhà mạng đều cho biết đang liên tục khuyến nghị tất cả các KH đã nhận được thông báo qua các kênh chính thức của nhà mạng cần sớm thực hiện chuẩn hóa để đảm bảo quyền lợi, tránh bị gián đoạn liên lạc một chiều. Đồng thời khuyến cáo, chỉ những thuê bao nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi từ tổng đài nhà mạng mới cần đến các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông để chuẩn hóa, cập nhật thông tin trước ngày 31/3. Những khách hàng không nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi từ các nguồn trên yên tâm sử dụng dịch vụ và cần cảnh giác khi có người gọi thông báo chặn hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.

Bài, ảnh: LIÊN MINH