Với kinh phí 5 tỷ đồng, phấn đấu 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đáp ứng các điều kiện nhận được ưu đãi sẽ nhận được hỗ trợ. Nội dung hỗ trợ tập trung vào thực hiện đào tạo trực tiếp về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và hỗ trợ đăng ký, duy trì tài khoản trên sàn TMĐT; tư vấn về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp… Đó là mục tiêu và nội dung trong Kế hoạch số 71/KH-UBND “Hỗ trợ DNNVV tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023”, vừa được UBND tỉnh ban hành.

Doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia nói chung và từng địa phương nói riêng. Doanh nghiệp mạnh sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tạo nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần vào ổn định an sinh xã hội.

Với đặc thù có đến 99% trong tổng hơn 6 nghìn, hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống, như buôn bán lẻ, xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ lưu trú, ăn uống, các DNNVV của Thừa Thiên Huế giữ vai trong vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các DNNVV  có ưu điểm linh hoạt trong hoạt động, dễ thích ứng với các tác động bên ngoài, nhưng cũng có nhiều hạn chế. Đó là, nguồn lực tài chính hạn hẹp, khả năng tiếp cận về chính sách, pháp luật, quản trị doanh nghiệp hạn chế; nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, nhất là trong quá trình chuyển đổi hiện nay gặp nhiều khó khăn...

Nhận thức rõ vai trò và chia sẻ khó khăn với các DNNVV, thời gian qua, tỉnh đã rất quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp cũng như thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tỉnh là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, tiến đến tháo gỡ rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp. Điển hình, thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây; chính sách hỗ trợ DNNVV, chính sách hỗ trợ “100 doanh nghiệp chuyển đổi số trong 100 ngày”, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, triển khai Đề án Cố đô khởi nghiệp,…

Chỉ tính 3 năm gần đây, hàng năm tỉnh đều bố trí nguồn ngân sách và ban hành kế hoạch hỗ trợ DNNVV. Mỗi năm tỉnh chọn một số nội dung hỗ trợ sát với thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho doanh nghiệp vươn lên. Chẳng hạn, năm 2020 tập trung hỗ trợ triển khai một số giải pháp về thủ tục hành chính; hỗ trợ tài chính, tín dụng; hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ công nghệ, sở hữu trí tuệ; hỗ trợ nguồn nhân lực; hỗ trợ mở rộng thị trường… Kế hoạch 384/KH-UBND, tháng 12/2021 tập trung hỗ trợ pháp lý cho DNNVV. Kế hoạch 444, tháng 11/2022, triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho DNNVV, hộ kinh doanh, hợp tác xã… Trong kế hoạch hỗ trợ DNNVV năm 2022, gần 800 doanh nghiệp được hỗ trợ  công nghệ, đào tạo quản trị, khởi sự kinh doanh…

Để chính sách đi vào cuộc sống, cùng với sự nỗ lực của các sở, ban ngành liên quan trong triển khai thực hiện, vấn đề quan trọng là sự “thẩm thấu” chính sách của các doanh nghiệp. Chỉ khi doanh nghiệp nhận thức được sự cấp thiết trong sự thay đổi, chủ động tiếp cận chính sách và sẵn sàng cho sự chuyển đổi thì các chính sách hỗ trợ mới phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Hoàng Minh