Trồng rừng bảo vệ cảnh quan tại vùng đồi Phong Mỹ (Phong Điền) |
Không hiểu sao dù đã có lực lượng bảo vệ, có chế tài luật pháp để xử phạt, thậm chí xử rất nặng nhưng đôi ba tháng lại nghe những cánh rừng nơi này, nơi kia bị đốn hạ, tàn phá mà chúng tôi thường dùng từ để chỉ biểu độ xót thương - rừng bị "chảy máu".
Như mới vài hôm gần đây một vụ phá rừng phòng hộ khu vực xã Thượng Quảng (Nam Đông) rộ lên trên các phương tiện thông tin đại chúng, với quy mô không nhỏ khiến nỗi suy tư về việc bảo vệ rừng thế nào cho hiệu quả lại dấy lên.
Đồng nghiệp của tôi đã có những ngày băng rừng, lội suối ở khe Đẹp, khe Thanh Niên... tại Thượng Quảng (Nam Đông) mà sững sờ trước hành vi táo bạo không "sợ ai" của lâm tặc "nuốt" dần những cây chò, cây kiền... với tuổi đời 70-80 năm một cách không thương tiếc - vốn nó nằm trong vùng cấm phá rừng và không ai can thiệp thô bạo cảnh quan thiên nhiên. Thế nhưng tại đây lâm tặc đã lập trại ở hàng tuần, dùng cưa máy đốn hạ, xẻ ra từng phách, tập kết ở các nơi rồi đưa trâu vào kéo về theo đường mòn một cách công khai mà không có trở lực nào.
Đồng nghiệp tôi bảo, khi trực tiếp tận nơi thấy những cây chò đường kính 60-80cm vừa hạ, sỉ nhựa trên gốc đang tứa ra như rỉ máu. Rồi bên này, bên kia tứ phía lại nghe tiếng cưa máy lúc riên riết, lúc rền vang và cây gỗ lớn cứ thế lần lượt đổ xuống sầm sập...
Kể từ năm 2016, khi có lệnh của Chính phủ cấm khai thác rừng tự nhiên hay còn gọi "đóng cửa rừng", từ huyện Nam Đông nhìn ra cả tỉnh, cả nước nhiều mô hình trồng, bảo vệ rừng hiện diện tăng dần rất đáng trân quý. Bất kể trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, người vùng núi, đồi hay ven biển... tất cả đều quan tâm đến môi trường, có mục tiêu xem rừng là nguồn sống, là văn hóa và lúc nào trong tâm thức của mỗi người mong muốn "góp cây là có rừng" để có "một đời người một rừng cây" và nhiều đời hơn nữa.
Chúng tôi còn nhớ những ngày đầu năm 2023 dưới thời tiết rét mướt, các mẹ, các cụ ở xã Phong Chương (Phong Điền) dù ở tuổi thất thập nhưng không ngần ngại khi được hỗ trợ của Tổ chức Đoàn kết quốc tế - SODI (CHLB Đức) đã tiên phong vận chuyển giống, đào hố đưa những chồi non vào những trảng cát ở quê nhà với hy vọng rừng sẽ lên xanh, để bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống cộng đồng không chỉ cho hôm nay và cho con cháu mai sau.
Trở lại vấn đề rừng Thượng Quảng, Nam Đông bị "chảy máu" và những vụ việc thực tế đó cho thấy, một nghịch lý tồn tại trong việc ứng xử với rừng ở quê nhà là "kẻ trồng người phá". Không riêng chúng tôi mà nhiều câu hỏi của dư luận đặt ra, cây rừng to như thế, bị chặt hạ bằng cưa máy, kéo ra khỏi rừng thành con đường mòn, tập kết gỗ ở đâu, bán cho ai - người dân địa phương đều biết. Thế nhưng lực lượng bảo vệ rừng nơi đây lại không biết, hay có tình trạng biết mà không nói, có hiện tượng che giấu, bảo kê?
Rừng vẫn đang mất, những cán bộ liên quan tin chắc sẽ bị kỷ luật, xử lý và nhiều câu hỏi vẫn cứ được tiếp tục đặt ra. Với lương tâm, trách nhiệm cao nhất, các đơn vị quản lý, bảo vệ khu vực rừng tự nhiên ở xã Thượng Quảng cần trả lời những câu hỏi đó. Khó khăn ở đâu, trở lực nơi ấy như thế nào, để công tác quản lý, bảo vệ rừng, để rừng không mất đi và niềm tin còn ở lại.