Đã 85 tuổi, bị bệnh kinh niên đầy mình, ba tôi lại còn mắc bệnh lẫn (đôi khi hoang tưởng) của tuổi già. Một lá phổi đã xẹp, lá còn lại bị viêm liên tục nên ba tôi thường bị hành hạ bởi những cơn khó thở. Căn bệnh tiền đình thì khiến ông cụ đau đầu, chóng mặt, có lúc bất chợt ngã xuống sàn nhà, rơi vào tình trạng “khẩn cấp” bất cứ lúc nào.

Hôm đó vào tầm 1 giờ sáng, ba tôi khó thở. Chúng tôi liền gọi taxi đưa ông cụ đến bệnh viện, vào phòng cấp cứu. Sau khi bác sĩ trực thăm khám, ba tôi được chỉ định đưa đến Khoa Phổi - Hô hấp. Một nam điều dưỡng đã hoàn tất các thủ tục, đồng thời trực tiếp đưa bệnh nhân đến phòng bệnh. Không ngờ, ba tôi phản ứng gay gắt, nhất quyết không tuân theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Ông cụ một hai cho rằng, ông không bệnh lao phổi, sao lại “bị” đưa đi chữa phổi. Nếu đến đó, sẽ bị “người ta” cho uống thuốc, chích thuốc trị bệnh lao, không đúng căn bệnh của mình dẫn đến hậu quả khôn lường, nên ông cụ “cố thủ” trên chiếc ghế dài ngoài hành lang. Nam điều dưỡng bất lực đành tìm gặp bác sĩ trưởng khoa để báo cáo. Không lâu sau đó, vị bác sĩ trưởng khoa đích thân đến gặp ba tôi - một bệnh nhân cao tuổi đang “chướng tính” - với nụ cười hiền hòa.

Lúc đó tầm 2 giờ sáng. Cuộc nói chuyện giữa bác sĩ trưởng khoa và bệnh nhân kéo dài gần 1 giờ đồng hồ, điều mà tôi khó có thể tưởng tượng ra. Điều khiến tôi kinh ngạc, xúc động và khâm phục đối với bác sĩ trưởng khoa, đó là trong suốt thời gian gần 1 giờ đồng hồ đó, khi ba tôi “kể lể” những điều liên quan đến căn bệnh, bằng sự lẩn thẩn của tuổi già, bác sĩ vẫn chăm chú lắng nghe mà không hề ngắt lời. Lúc giải thích và thuyết phục bệnh nhân, ông nói bằng giọng rất nhẹ nhàng, từ tốn, lễ phép. Đặc biệt, nụ cười hiền hòa luôn trên gương mặt. Chắc chắn một điều, người bác sĩ đó thực sự thấu hiểu, cảm thông với nỗi đau bệnh tật của bệnh nhân, dành cho họ thật nhiều yêu thương, mới có thể kiên nhẫn, bao dung và tận tâm đến vậy.

Gần đây, một bàn chân của ba tôi thường xuyên đau, sưng tím. Nguyện vọng của ông cụ là vào Bệnh viện Trung ương Huế chữa trị. Ông cụ bảo: “Chỉ có bệnh viện lớn này mới chữa được chân cho ba”. Với chứng lẩn thẩn, hoang tưởng của tuổi già, ông cụ cho rằng, chân đau như vậy là do bị người khác đầu độc. Điều không tưởng đó, ba tôi cũng kể lể khi được bác sĩ thăm khám. Vội vàng ngăn ông cụ, nhưng tôi bất ngờ khi vị bác sĩ nở nụ cười, nhẹ nhàng bảo, cứ để cụ nói, đồng thời kiên nhẫn lắng nghe cho đến lúc bệnh nhân nói hết.

Không ngờ khi đã hoàn tất thủ tục nhập viện thì ba tôi “chướng tính”, nhất quyết không điều trị nữa. Sau khi nghe báo cáo, bác sĩ trưởng khoa đến tận giường bệnh của ba tôi. Tôi “gặp lại” nụ cười hiền hòa như của vị trưởng khoa đã bên cạnh ba tôi gần 1 giờ đồng hồ lúc 2 giờ sáng, tại bệnh viện ở quê nhà, “gặp lại” sự kiên nhẫn lắng nghe, xuất phát từ lòng bao dung, cảm thông với bệnh nhân. Họ thực sự là những lương y - “thiên thần áo Blouse” - mang đến những điều tốt đẹp cho cuộc đời, mang niềm tin và hy vọng, giúp bệnh nhân (và người nhà của họ) có thêm động lực để chiến đấu và vượt qua bệnh tật.

Quỳnh Anh