Quỹ đất dọc đường Võ Văn Kiệt cỏ mọc um tùm, rất lãng phí |
Giải quyết vi phạm
Tuyến đường Quốc lộ 1A - Tự Đức (tuyến Tự Đức – Thủy Dương, nay là đường Võ Văn Kiệt) được triển khai xây dựng theo Quyết định số 593/QĐ-UB ngày 26/3/2001 của UBND tỉnh với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Công trình xây dựng phục vụ giao thông vận tải nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, dịch vụ, tôn tạo các di sản văn hóa ở khu vực Tây Nam TP. Huế. Đồng thời, đảm nhận chức năng một tuyến đường vành đai…
Theo thiết kế, quy mô dự án đường rộng 36m. Trong đó, chủ đầu tư đã đền bù, giải tỏa từ tim đường sang 2 bên là 51m. Sau khi hoàn thành tuyến đường, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án Hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở biệt thự trục đường Quốc lộ 1A - Tự Đức theo Quyết định 449/QĐ-UBND ngày 12/2/2007 với diện tích 5,09ha, tổng kinh phí 42,117 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh làm chủ đầu tư (viết tắt BQLDA).
Ông Hà Xuân Hậu, Giám đốc BQLDA cho biết, dự án Hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở biệt thự trục đường Quốc lộ 1A - Tự Đức đã nhiều lần được UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (hiện còn vướng 5 hộ gia đình, nhà thờ với diện tích 0,36ha). Hiện nay, BQLDA đã triển khai hạ tầng khu nhà biệt thự, khu tái định cư trên diện tích đất đã được bàn giao mặt bằng và tiếp tục có văn bản đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến quý III/2023.
Bên cạnh vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tình trạng xây dựng vi phạm quỹ đất dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt thường xuyên xảy ra. Do buông lỏng quản lý, nên nhiều hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đã lấn chiếm phần đất 2 bên đường để xây dựng quán kinh doanh, buôn bán. Đa số các công trình được cấp phép xây dựng biệt thự đều có sự thay đổi về hình thức lẫn công năng trở thành nhà kho, xưởng sản xuất, không theo quy hoạch đã được phê duyệt… Về vấn đề này, UBND TP. Huế đã có công văn số 2103/UBND-TTXD ngày 9/6/2017 yêu cầu phường An Tây phối hợp với Đội Quản lý Đô thị thường xuyên kiểm tra, giám sát, không để tình trạng vi phạm xảy ra.
Năm 2019 và 2020, UBND tỉnh chủ trì phối hợp với các ban, ngành liên quan và UBND TP. Huế, thị xã Hương Thủy tổ chức các cuộc họp yêu cầu chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm 2 bên đường Võ Văn Kiệt. Sau một thời gian tuyên truyền, vận động, đa số các hộ dân lấn chiếm xây dựng, xây dựng không đúng với thiết kế nhà biệt thự, nhà liền kề… đã tự giác tháo dỡ, trả lại mặt bằng nguyên trạng.
Sớm có phương án khai thác
Tuyến đường Võ Văn Kiệt và quỹ đất dọc tuyến được quy hoạch với mục tiêu xây dựng khu vực đô thị có địa hình đặc biệt, liền kề núi đồi với các kiến trúc kiểu mẫu, đặc trưng. Tuy nhiên quá trình đầu tư, xây dựng, quản lý kiến trúc quy hoạch đô thị với nhiều bất cập, sự chồng chéo trong chức năng quản lý của các đơn vị đầu tư, chính quyền địa phương dẫn đến việc hình thành khu vực không đảm bảo theo mục tiêu, yêu cầu đề ra. Toàn tuyến không có một đơn vị đầu mối giám sát, quản lý về kết nối hạ tầng, quy hoạch kiến trúc đô thị, kêu gọi đầu tư, giám sát thực hiện dự án. Do đó, đến nay dù tuyến đường đã đưa vào khai thác gần 20 năm, nhưng quỹ đất dọc tuyến đều đang bỏ hoang, rất lãng phí.
Bà T.T.L, một hộ dân đã tháo dỡ quán kinh doanh khu vực dọc tuyến Võ Văn Kiệt cho biết, cuối năm 2018, bà cùng một người bạn nhận chuyển nhượng quán của một người khác và đầu tư thêm với kinh phí gần 1 tỷ đồng để kinh doanh quán nhậu. Cứ tưởng sẽ ổn định buôn bán, kinh doanh lâu dài, nào ngờ năm 2019, chính quyền địa phương yêu cầu tháo dỡ quán lấn chiếm đất công. Như vậy, mặc dù đầu tư bị thua lỗ, nhưng bà vẫn chấp nhận trả lại mặt bằng cho Nhà nước. Cứ tưởng Nhà nước sẽ sử dụng quỹ đất này vào mục tiêu chung, nhưng đã gần 4 năm trôi qua, khu vực này vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, nhếch nhác…
Tìm hiểu chúng tôi được biết, ngày 16/4/2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh đã bàn giao quỹ đất 2 bên đường Võ Văn Kiệt (cách tim tuyến 51m về phía 2 bên) theo đúng hồ sơ cắm mốc do Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông tỉnh thực hiện năm 2018 (trừ những vị trí đã giao cho các tổ chức, các khu quy hoạch phân lô) cho UBND TP. Huế, UBND phường An Tây, phường Thủy Xuân quản lý theo quy định. Đây là quỹ đất đã được Nhà nước đền bù giải tỏa (trừ nhà thờ họ Trần, nhà thờ họ Châu, thuộc phường An Tây chỉ mới giải tỏa cách mép đường 6,5m).
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế cho biết, hiện trung tâm đang phối hợp với các ban, ngành chức năng của thành phố để giải quyết các vướng mắc giải phóng mặt bằng liên quan đến dự án Hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở trục đường Võ Văn Kiệt. Trong đó, gồm các hộ: Bà Lê Thị Thu, thường trú tại 10/73 Đặng Văn Ngữ, phường An Đông; ông Trần Hòe (Đại diện cho nhà thờ họ Trần); ông, bà Nguyễn Đức Lân - Lê Thị Hoát, trú tại tổ 3, KV5, phường An Tây; ông Nguyễn Đức Tín, thường trú tại tổ 3, KV5, phường An Tây; ông bà Nguyễn Văn Yên - Nguyễn Thị Bình, trú tại 92/16 Dương Văn An, phường Xuân Phú. Ngoài công tác tuyên truyền, vận động, trung tâm sẽ áp dụng các biện pháp hỗ trợ, đền bù có lợi nhất cho các hộ dân. Nếu các hộ không bàn giao mặt bằng sẽ tham mưu UBND TP. Huế để áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định, phấn đấu hoàn thành trong quý I/2023.
Hiện nay, ngoài phần diện tích giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện dự án và xây dựng nhà biệt thự theo đúng thiết kế, tỉnh đã có chủ trương thống nhất bố trí khu đất nằm trên trục đường Võ Văn Kiệt (thuộc phường Thủy Xuân) để xây dựng Trung tâm Cấp cứu vận chuyển 115 như đề xuất của Sở Xây dựng. Ngoài những diện tích đã và đang có phương án, thì quỹ đất dọc đường Võ Văn Kiệt (phường An Tây, Thủy Xuân) còn khá lớn, đang bỏ hoang. Thiết nghĩ, UBND TP. Huế (đơn vị được giao quản lý) cần kêu gọi xúc tiến đầu tư các dự án nhà biệt thự liền kề, công viên, vỉa hè… tạo bộ mặt khang trang, sạch đẹp cho tuyến đường, tránh quỹ đất đang bị bỏ hoang như hiện nay.
Tuyến đường Tự Đức - Thủy Dương được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 20/4/2001 về việc giao đất để xây dựng tuyến đường Tự Đức - Thủy Dương và quy hoạch khu dân cư phục vụ cho việc giãn dân tại các vùng ngập lụt của thành phố Huế. Dự án đã ảnh hưởng đến 1.878 hộ gia đình, trong đó có 228 hộ phải tái định cư. Tổng kinh phí đền bù hơn 35 tỷ đồng... |