leftcenterrightdel
Tình trạng kẹt xe giờ cao điểm thường xuyên xảy ra ở nhiều tuyến đường. Ảnh: Bảo Phước 

So với nhiều đô thị khác trong cả nước, nhịp sống ở Huế khá chậm rãi và tĩnh lặng, phố xá ít xô bồ, chen chúc. Tuy nhiên, đó là của một số năm về trước, còn bây giờ, với tốc độ phát triển đô thị hóa, sự gia tăng dân số, sự mở rộng ngành nghề, kinh tế… nhịp sống của Huế xem chừng đã nhộn nhịp, tất bật hơn. Một số tuyến đường chính, một số nút giao thông đã bị tắc đường, kẹt xe vào giờ cao điểm. Phía bờ bắc thì ở các cổng thành, bờ nam thì ở nút giao cầu Phú Xuân và các điểm giao cắt ở các cây cầu An Cựu, Kho Rèn, Phủ Cam…

Tại cầu An Cựu, mỗi lần có việc lại qua nơi đây đúng giờ cao điểm là cả nỗi ám ảnh, bởi có thể nói, đây là trong những nút giao thông trọng điểm nhất của Huế. Nút giao thông này hội tụ các con đường Hùng Vương - Hải Triều - Phan Chu Trinh - Đặng Văn Ngữ - Phan Đình Phùng, đầu các con đường vừa kể đều đã được lắp đặt đèn tín hiệu giao thông. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm thì “xả trại”, chỉ sáng màu vàng để cảnh báo. Vậy là mạnh ai nấy đi, xe thì đi thẳng, xe lại rẽ ngang, quẹo dọc… nên có khi tất cả dồn đống thành một mớ thật hỗn loạn, muốn vượt qua khỏi đây nhiều lúc mất cả vài chục phút. Đã có nhiều ý kiến đề nghị đơn vị quản lý nên nghiên cứu để hiệu chỉnh sự hoạt động của cụm đèn tín hiệu tại nút giao thông này để phù hợp, hiệu quả hơn, nhưng hình như những kiến nghị ấy vẫn chưa được lắng nghe thấu đáo (?)

Cách đây mấy tuần, nhân có việc phải về nhà người thân ở đường Hải Triều đúng vào giờ cao điểm buổi chiều, thấy CSGT cho chăng dây nối từ dải phân cách cứng phía cầu An Cựu đến dải phân cách cứng phía đường Hùng Vương. Thao tác này chắn ngang, không cho phép các phương tiện lưu thông từ đường Phan Chu Trinh sang Hải Triều và ngược lại. Xe cộ di chuyển từ phía bắc đến, muốn rẽ trái xuống đường Hải Triều thì buộc phải đi tiếp thêm hơn trăm mét nữa, tới gần kiệt Miếu Đôi thì quành ngược lại chạy dọc theo đường Hùng Vương đến Hải Triều. Tương tự, xe từ phía nam lên, muốn rẽ vào đường Phan Chu Trinh thì cũng buộc phải di chuyển tiếp đến chỗ quay đầu thì ngược trở lại mới vào Phan Chu Trinh. Trường hợp phương tiện từ đường Hải Triều, Phan Chu Trinh đến, muốn rẽ trái để vào đường Hùng Vương cũng buộc phải di chuyển tương tự mới nhập vào tuyến mong muốn được. Chỉ một thao tác nhỏ vậy thôi, nhưng giao thông hôm ấy thấy thông suốt và an toàn hẳn. Đáng tiếc là việc làm ấy chỉ được triển khai đâu chỉ một vài hôm, còn thì lại trở về như cũ. Rất đáng tiếc!

Mới rồi lại phải ngang qua nút cầu An Cựu, thấy tình trạng giao thông lộn xộn vẫn như cũ. Thật vô cùng mệt mỏi! Giá như việc phân luồng tạm thời vào giờ cao điểm như từng làm được duy trì thì thật tốt, không chỉ giúp giao thông thông suốt mà lại còn giúp giảm nguy cơ va quệt, tai nạn xảy ra. Và không chỉ riêng ở nút giao thông cầu An Cựu, các nút khác ở cầu Kho Rèn, Phủ Cam, Nam Giao có lẽ cũng đang rất ngóng đợi. Có thể sẽ thêm công, thêm việc cho cơ quan chức năng. Song, đó là việc có lợi cho dân. Mà “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”- Hồ Chủ tịch đã chẳng từng dạy như thế là gì.

Hiền An