Nhiều bạn trẻ lựa chọn tiết kiệm khi theo đuổi lối sống tối giản. Ảnh: NVCC |
Tối giản trong suy nghĩ
Theo số liệu thống kê, chỉ 45% bạn trẻ sinh từ năm 1997 - 2012 cho biết sức khỏe tâm thần của họ ổn hoặc rất tốt, trong khi các thế hệ trước có chỉ số này cao hơn rất nhiều. Con số trên cũng cho thấy, giới trẻ đang là thế hệ dễ mắc phải trầm cảm nhất, họ cũng thường tìm đến các liệu pháp hoặc tư vấn sức khỏe tâm thần hơn so với các thế hệ khác. Để phần nào có thể “lách” khỏi những áp lực vốn có của cuộc sống thường nhật, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu tìm hiểu và lựa chọn lối sống tối giản.
Bắt đầu lối sống tối giản hơn một năm nay, Nguyễn Minh Tân (21 tuổi, phường Hương Long) cho biết, bản thân đã thực sự thoải mái, bớt áp lực hơn khi theo đuổi lối sống này: “Có một câu hát mà hiện tại mình rất tâm đắc đó là: “Lớn lên từ nhiều va vấp, mà đã vấp và va thì phải trầy”. Vậy nên mình nghĩ rằng, nếu càng nghĩ nhiều quá sẽ càng mệt mỏi hơn. Thay vì đổ thừa cho người khác thì tự mình rút kinh nghiệm để đạt được mục tiêu mình mong muốn. Mỗi người chỉ nên so sánh bản thân với chính mình ngày hôm trước, thay vì so sánh với cuộc đời người khác”.
Phạm Kiều My (24 tuổi, phường An Tây) cũng bày tỏ quan điểm: “Mình không lựa chọn thuần sống tối giản, nhưng vẫn đang tập tành tối giản trước hết trong tiêu dùng. Mình chỉ mua những thứ thật sự cần thiết, chứ không phải tất cả những gì mình thích. Dần dần mình cũng đã thoát khỏi áp lực tài chính vì không còn chi tiêu quá mạnh tay như trước”.
Có thể thấy, suy nghĩ đơn giản, lạc quan và chỉ mua sắm những thứ cần thiết đang là lựa chọn của nhiều bạn trẻ để hướng đến một cuộc sống đơn giản và bớt áp lực.
Chủ động cho những mục tiêu của bản thân
Một trong những áp lực mà giới trẻ đang phải đối mặt trong thời điểm hiện tại chính là cuộc khủng hoảng tinh thần vì “bão giá” đang len lỏi vào từng ngóc ngách trong cuộc sống.
Khi được hỏi về tình hình chi tiêu trong thời kỳ khó khăn hiện nay, Kiều My chia sẻ bí quyết của bản thân: “Trước đây, cứ gần cuối tháng là mình lại lâm vào tình trạng rỗng ví vì đầu tháng mình thường săn sale (hàng giảm giá). Thế nhưng, khi vật giá leo thang, mình nghĩ rằng đã đến lúc cần chi tiêu có kế hoạch hơn”.
Nghĩ là làm, Kiều My hạn chế dùng tiền mặt và chuyển sang chi tiêu bằng thẻ hay ứng dụng ngân hàng. Điều này giúp cô quản lý được chi tiêu rõ ràng hơn, bởi chỉ cần mở điện thoại là thấy những nhắc nhở về thời hạn hóa đơn, không còn lo lắng quên đóng phí điện, nước, internet.
Giống như Kiều My, tình trạng “không xu dính túi” còn là nỗi lo của nhiều bạn trẻ khác. Vì vậy, việc lựa chọn sống tối giản giúp họ chủ động và quản lý chi tiêu hợp lý hơn trong bão giá.
Đang là một người làm việc tự do với thu nhập ổn định từ 15-20 triệu đồng/tháng, Hồ Hoàng Duy (25 tuổi) lựa chọn rời TP. Hồ Chí Minh trở về Huế sống cùng gia đình để tiết kiệm chi phí thuê nhà trọ. “Lúc ở TP. Hồ Chí Minh, mức lương của mình đủ chi trả cho tiền ăn, chi phí sinh hoạt và các mối quan hệ xã hội và để dư được khoảng 1/3 thu nhập mỗi tháng. Sau khi về quê sống, mình không mất tiền nhà, tiền ăn uống giảm hẳn một nửa. Ngoài ra không phát sinh thêm bất cứ chi phí nào khác”, Hoàng Duy chia sẻ.
Nhẩm tính tiền chi tiêu, Hoàng Duy cho biết chỉ mất khoảng 1/5 tiền lương: “Mình cảm thấy thoải mái với cuộc sống hiện tại và lối sống tối giản mình hướng tới. Không còn những cuộc vui vô thưởng vô phạt, mình cảm thấy bản thân thoải mái hơn rất nhiều trong vấn đề chi tiêu”.