leftcenterrightdel
 Trứng gia cầm bán ở ven đường khu vực chợ không rõ nguồn gốc

Nguồn gốc không rõ ràng

Dạo quanh tại các chợ từ nông thôn đến thành thị đều dễ bắt gặp cảnh mua bán gia cầm sống, gia cầm đã giết mổ không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Gà, vịt đã giết mổ không có dấu tem kiểm dịch của cơ quan thú y. Khi hỏi số gia cầm được bày bán nhập ở đâu về thì hầu hết người bán tại các chợ đều ú ớ, không nói rõ địa chỉ cụ thể.

Một số người bán trứng gia cầm bảo mua tại các trang trại về bán, nhưng tất cả số trứng bày bán đều không có dấu kiểm dịch, nhãn mác hay các thủ tục nào chứng minh sản phẩm mua từ các trang trại. Trong khi đó, theo chúng tôi được biết, sản phẩm trứng gà, vịt tại các trang trại trên địa bàn tỉnh đều có nhãn mác, có các thủ tục kiểm dịch, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ trước khi xuất bán...

Chính sự chủ quan, thiếu hiểu biết về DCGC khiến loại bệnh nguy hiểm này có nhiều nguy cơ tái bùng phát, gây thiệt hại đến chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí cả tính mạng người tiêu dùng. Với số gà, vịt đã được giết mổ bày bán tại các chợ, ai dám chắc trước khi giết mổ gia cầm khoẻ mạnh, thậm chí còn bị nhiễm dịch bệnh là điều hoàn toàn có thể.

Theo Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 4 ổ DCGC A/H5N1 tại 4 huyện của 4 tỉnh. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy hơn 6.500 con. Cảnh báo thời gian tới, nguy cơ DCGC lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng rất cao.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ dịch bệnh lây lan, trong đó phải kể đến đàn chim di trú có thể mang bệnh từ nơi khác đến trong khi tìm kiếm thức ăn cùng với gia cầm nuôi. Chăn nuôi nhỏ lẻ chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, chưa an toàn dịch bệnh, chưa được tiêm phòng vắc-xin. Trong khi vi rút cúm gia cầm, các chủng vi rút A/H5 gồm H5N1, H5N6, H5N8... đang tiềm ẩn, lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao.

Cần giám sát và xử lý triệt để

Đáng lo ngại hơn, DCGC hoàn toàn có thể lây sang người, ảnh hưởng đến sức khỏe và đe dọa tính mạng. Theo Cục Thú y, bệnh cúm gia cầm lây sang người là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus cúm A/H5, cúm A/H7... gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với gia cầm bệnh, gia cầm chết, sản phẩm gia cầm bị bệnh, kể cả vật dụng bị nhiễm mầm bệnh DCGC.

WHO nhấn mạnh, việc phòng ngừa, kiểm soát bệnh ở động vật được xem là biện pháp chủ động, tích cực có vai trò rất quan trọng trong giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh cúm gia cầm, cúm gia cầm lây sang người. Trong khi tình trạng chăn nuôi chưa an toàn, cộng với sự chủ quan trong giết mổ, mua bán gia cầm sống, sản phẩm gia cầm, trứng gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có thủ tục kiểm dịch tại các chợ là điều đáng lo ngại.

TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin, đơn vị cử cán bộ đang tiếp tục tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm kinh doanh, mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các chợ. Lực lượng thú y kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp bị phát hiện vi phạm. Ngành thú y cùng các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đang tổ chức giám sát, ngăn chặn hoạt động vận chuyển gia cầm trái phép từ các tỉnh và nước ngoài vào địa bàn tỉnh tiêu thụ. Đến thời điểm này chưa phát hiện gia cầm nhập lậu từ các nước khác vào địa bàn.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo, người tiêu dùng cần hết sức đề cao cảnh giác, không chủ quan khi mua gia cầm sống, sản phẩm gia cầm chế biến thức ăn. Người dân tuyệt đối tránh mua gia cầm, sản phẩm gia cầm, trứng gia cầm không có kiểm dịch, xuất xứ, nguồn gốc không rõ ràng. Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết phải báo với cơ quan chức năng xử lý, tuyệt đối không được giết thịt ăn. Với gia cầm khỏe mạnh khi chế biến thức ăn phải nấu chín, đun sôi với nhiệt độ trên 70oC, không ăn các loại tiết canh gia súc, gia cầm, trứng gia cầm chưa nấu chín.

Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú ty tỉnh tổ chức lấy khoảng 30 mẫu xét nghiệm lưu hành virus cúm gia cầm, kết quả có 3 mẫu dương tính với cúm A, không có mẫu dương tính với H5; lấy và xét nghiệm 996 mẫu huyết thanh để đánh giá khả năng đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm; lấy hơn 120 mẫu huyết thanh gia cầm để giám sát sau tiêm phòng vắc-xin Newcastle; tiêm hơn 1 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm. Đồng thời, phối hợp các cấp, ban ngành triển khai thực hiện giám sát dịch bệnh đến tận thôn, hộ chăn nuôi để kịp thời phát hiện, xử lý dịch bệnh, không để lây lan thành dịch.


Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU