Ông Châu Khắc Thái, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên Huế |
Theo ông Châu Khắc Thái, số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số đang gia tăng mạnh mẽ. Cùng với sự thay đổi trong xu hướng hành vi tìm kiếm thông tin, mua sắm hàng hóa sản phẩm, dịch vụ, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) cũng dần lên ngôi, được ứng dụng ngày càng nhiều trong đời sống xã hội...
Điều này được thể hiện như thế nào - thưa ông?
Những năm gần đây, giao dịch thanh toán điện tử qua ngân hàng trên địa bàn tăng trưởng nhanh cả về số lượng và giá trị. Tổng giá trị giao dịch tài chính qua kênh internet năm 2020 tăng 35,56% so với năm 2019 và năm 2021 tăng 90% so với năm 2020; qua kênh điện thoại di động năm 2020 tăng 84,22% so với năm 2019 và năm 2021 tăng 149% so với năm 2020. Riêng trong năm 2022, tổng giá trị giao dịch qua kênh Mobile Banking đạt khoảng 70.171 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2021; qua kênh Internet Banking đạt khoảng 63.762 tỷ đồng, tăng 19,7% so với năm 2021.
Ngoài ra, theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, số lượng các doanh nghiệp trên địa bàn mở tài khoản thanh toán và phát sinh giao dịch TTKDTM ngày càng tăng, chiếm khoảng 67,6% trong tổng số doanh nghiệp có tài khoản mở tại ngân hàng. Với các giải pháp đã triển khai cùng những lợi ích của TTKDTM như giảm thiểu chi phí sử dụng tiền mặt cho các doanh nghiệp, an toàn, nhanh chóng, tiện lợi, việc TTKDTM trong doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, các giao dịch thanh toán, chuyển tiền, chi trả lương, thưởng cho người lao động tại các doanh nghiệp hầu hết đều thực hiện qua phương thức TTKTDM.
Thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công thì sao, thưa ông?
Với khu vực công, hiện, các ngân hàng thương mại tiếp tục phối hợp với Kho bạc Nhà nước để mở tài khoản chuyên thu ngân sách Nhà nước trên 10 địa bàn thu ngân sách Nhà nước của TP. Huế, thị xã và các huyện; phối hợp tổ chức thu ngân sách Nhà nước qua Mobile Banking, qua POS đặt tại Kho bạc Nhà nước TP. Huế và thị xã Hương Thủy. Các gói sản phẩm hỗ trợ thu thuế được các ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai như: PV-Tax, dịch vụ nộp thuế hải quan điện tử 24/7... Trong năm 2022, tổng giá trị thu thuế qua ngân hàng tăng gần 13% so với năm 2021.
Một số ngân hàng thương mại đã và đang triển khai phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố và huyện trong việc thực hiện chi trả các khoản an sinh xã hội như: chi trả lương, các khoản trợ cấp, chi trả chế độ ốm đau, thai sản,… thông qua tài khoản ATM cho người hưởng. Trong năm 2022, tổng giá trị chi trả an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh qua ngân hàng gấp gần 4 lần so với năm 2021.
Các dịch vụ thu tiền điện, nước, dịch vụ thu học phí, thu viện phí cũng được các ngân hàng phối hợp với các đơn vị triển khai.
Các ngân hàng thương mại đã nâng cấp hệ thống thanh toán để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như thế nào?
Hiện, các mô hình và dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ. Một số ngân hàng cho phép các dịch vụ thanh toán, tiền gửi, tiết kiệm... có thể thực hiện hoàn toàn trên kênh số đáp ứng nhu cầu giao dịch trực tuyến mọi lúc, mọi nơi. Giải pháp xác thực khách hàng qua căn cước công dân gắn chip bắt đầu được triển khai thí điểm, thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh, kết nối hạ tầng, hệ thống với các ngành, lĩnh vực khác.
Hạ tầng thanh toán đang được nâng cấp |
Ngoài ra, 100% các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã thực hiện đa kênh, đa dạng các phương thức thanh toán, mô hình kết nối mới (thanh toán qua mã QR Code, giao dịch ví điện tử, tiền di động, thanh toán thẻ, tài khoản thanh toán...), cung cấp dịch vụ ngân hàng online. Với hệ sinh thái đa dạng và đang ngày càng hoàn thiện hơn, khách hàng hoàn toàn có thể trải nghiệm hầu hết các dịch vụ ngân hàng cá nhân hiện đại thông qua nền tảng số, thường xuyên nâng cấp và tối ưu cho hầu hết các nhu cầu thanh toán thông thường, từ đó dần thay đổi thói quen thanh toán từ kênh tiền mặt chuyển sang kênh số.
Các ngân hàng cũng có phương án triển khai giải pháp định danh điện tử eKYC cho khách hàng mở tài khoản thanh toán trên hệ thống thanh toán trực tuyến của đơn vị, phát hành thẻ ATM tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam, triển khai kết nối trực tiếp với ví điện tử FOXPAY (nền tảng ví điện tử tích hợp sẵn trên ứng dụng Hue-S), góp phần thúc đẩy TTKDTM trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống thanh toán đã được nâng cấp, song hạ tầng thanh toán đã được đổi mới và đa dạng để bắt kịp xu hướng?
Hệ thống ATM, POS hoạt động ổn định, được các ngân hàng rất quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Mạng lưới ATM, POS được phủ sóng đến tất cả các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 26 chi nhánh ngân hàng thương mại với mạng lưới phòng giao dịch có mặt ở thành phố và các huyện, thị xã. Toàn địa bàn có 228 máy ATM, trong đó số máy ATM hoạt động trên địa bàn các huyện, thị xã chiếm khoảng 33%, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Toàn tỉnh có 1.107 máy POS, trong đó số máy POS hoạt động trên địa bàn các huyện, thị xã chiếm khoảng 15%. Về cơ cấu phân bố có 12,2% máy ATM và 85,1% máy POS được lắp đặt tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại, bán lẻ; 5,2% máy ATM và 1,4% máy POS được lắp đặt tại các bệnh viện; 4,4% máy ATM và 0,1% máy POS được lắp đặt tại các trường học.
Ông có thể nói điều gì về chất lượng dịch vụ?
Các ngân hàng thương mại đang triển khai nhiều gói sản phẩm với các chương trình ưu đãi cho các đối tượng khách hàng: miễn, giảm phí dịch vụ; tích điểm bằng cách thanh toán thẻ hoặc thực hiện các giao dịch thanh toán hóa đơn/mua sắm/thanh toán bằng mã QR… trên mobile banking để đổi quà, mua sắm hàng hóa… Đồng thời, phối hợp các tổ chức trung gian thanh toán triển khai rộng rãi nhiều hình thức thanh toán hướng tới các khu dân cư thuộc huyện, thị xã trong tỉnh, khu công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ thanh toán theo hướng cải thiện thái độ phục vụ; đổi mới quy trình, thủ tục và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiết giảm thời gian, chi phí, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật.
Ngoài ra, việc sẵn sàng tiếp nhận và kịp thời xử lý các yêu cầu tra soát, khiếu nại của khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ ngân hàng cũng được các ngân hàng quan tâm hơn.
Các ngân hàng đã làm gì để đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt?
Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã có công văn cảnh báo các ngân hàng thương mại những rủi ro trong mở tài khoản thanh toán, thường xuyên chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại rà soát, đánh giá rủi ro để có phương án phòng bị và giải pháp ứng phó kịp thời trong toàn bộ quy trình thiết kế, vận hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng. Triển khai hiệu quả công tác kiểm soát nội bộ về an ninh, an toàn thông tin. Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng thường xuyên cập nhật đến các tổ chức tín dụng văn bản cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với cơ quan Công an trong phòng, chống tội phạm thẻ ngân hàng, cảnh báo khách hàng các rủi ro trong hoạt động thanh toán thẻ; chủ động theo dõi, tiếp nhận và xử lý tra soát, khiếu nại của khách hàng qua nhiều kênh khác nhau. Ngân hàng Nhà nước tỉnh duy trì đường dây nóng về hoạt động máy ATM, nhất là trong các dịp cao điểm ngày lễ, tết; đồng thời giám sát việc triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại các chi nhánh ngân hàng thương mại.
Đến nay, các dịch vụ ngân hàng trên môi trường số cũng như hoạt động thanh toán trên địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả, thông suốt. Các ngân hàng thương mại triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin trong hoạt động ngân hàng.
Xin cảm ơn ông!