Đầy đủ dụng cụ tập luyện là mong muốn của vận động viên |
Chuyện không mới, nhưng còn “nóng”
Thăm buổi tập luyện của các vận động viên Taekwondo Thừa Thiên Huế, cảm nhận rõ nỗi chạnh lòng của những người ở sân tập. Trước buổi tập, vận động viên phải dùng băng keo dán lại mũ. Nhiều dụng cụ như găng tay đã cũ, hoặc rách. Hỏi đến áo giáp, huấn luyện viên và cả vận động viên đều cho biết chưa có áo giáp điện tử. Mong muốn trang cấp mới dụng cụ tập luyện hiện đại đã từ lâu, nhưng để đầy đủ vẫn là câu chuyện chờ đợi.
Chuyện thiếu cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện không mới, thậm chí đã được nghe từ lâu, ở nhiều môn thể thao của tỉnh. Thế nhưng, qua nhiều mùa tập luyện, thi đấu, đó vẫn là vấn đề “nóng” khi đặt lên bàn cân so sánh thành tích. Huấn luyện viên nhiều bộ môn thể thao khẳng định, không thể lấy lý do cơ sở vật chất để đổ lỗi cho chuyện thành tích nhưng cũng không thể phủ nhận, đó là yếu tố quan trọng để tạo động lực, nền tảng giúp vận động viên gặt hái thành tích.
Huấn luyện viên Đinh Văn Kiên, Trưởng bộ môn Vật của tỉnh chia sẻ, trong khi nhiều đội tuyển ở các địa phương có con nộm tập vật (dụng cụ chuyên dụng) thì hiện nay vận động viên của bộ môn Vật tỉnh vẫn đang “tập chay”. Trong thể thao, yêu cầu đầu tư cơ sở vật chất rất nhiều, nhưng cơ bản mới chỉ được trang cấp phần nào. Khó khăn vẫn nằm ở chuyện kinh phí.
Dụng cụ phục vụ tập luyện của vận động viên Taekwondo bị hỏng |
Theo huấn luyện viên Lê Văn Lộc, Trưởng bộ môn Karatedo tỉnh, dụng cụ tập luyện bổ trợ cho từng môn, giúp vận động viên tập luyện thể lực rất quan trọng. Trên thực tế, một số dụng cụ đã cũ, hoặc thiếu. Để có một số trang, thiết bị, dụng cụ phục vụ tập luyện thường xuyên, đòi hỏi bộ môn và các vận động viên phải tìm cách tự khắc phục. Câu chuyện “liệu cơm gắp mắm” trong tập luyện, thi đấu là giải pháp mà ban huấn luyện bộ môn và các học trò phải đặt ra, mục tiêu cao nhất là đem về thành tích tốt nhất trong điều kiện hiện nay.
Thiếu cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện ít nhiều khiến cho các vận động viên khó khăn khi bước ra các đấu trường lớn. Huấn luyện viên Phạm Ngọc Thành, Trưởng bộ môn Taekwondo tỉnh phân tích, áo giáp điện tử được đưa vào thi đấu đối kháng liên quan cách tính điểm. Điều kiện tập luyện và thi đấu khác nhau, việc thiếu áo giáp là một trở lực với vận động viên, ảnh hưởng đến chuyên môn. Ít nhiều, cũng tác động đến thành tích.
Tìm hướng gỡ khó
Đem nỗi lo của các bộ môn trao đổi với ngành thể thao, ông Bùi Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, đó cũng là trăn trở của ngành thể thao tỉnh nhà. Trên thực tế, hằng năm đều có quan tâm nguồn đầu tư cơ sở vật chất, song, với nguồn lực có hạn, các đơn vị cũng rà soát để cân đối, đảm bảo đầu tư cơ bản. “Thực ra, sân bãi, nhà tập vẫn còn thiếu. Để đầu tư cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện đầy đủ và hiện đại cho tất cả các môn cần nguồn kinh phí rất lớn, đây luôn là trăn trở”, ông Dũng chia sẻ.
Trong bối cảnh nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước có hạn thì câu chuyện xã hội hóa thể thao thành tích cao đặt ra nhiều năm, nhưng chưa có kết quả khả quan. Ngoài các giải phong trào, nhiều năm qua, ngành thể thao nói chung, các bộ môn nói riêng cố gắng tìm kiếm, kêu gọi sự đồng hành của các doanh nghiệp, song chưa nhận được cái “gật đầu” từ phía họ. Bên cạnh lý do chủ doanh nghiệp không mặn mà với thể thao thì các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế hạn chế, trong khi đầu tư cho thể thao cần nguồn kinh phí rất lớn.
Khó khăn sẽ mãi khó khăn, nếu vẫn chưa tìm được giải pháp thiết thực. Ngoài các giải pháp tạm thời để giải quyết khó khăn trước mắt, rõ ràng cần rà soát một cách cụ thể để đánh giá và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho từng bộ môn, đồng thời có hướng đầu tư phù hợp đối với những môn thể thao trọng điểm.
Để xã hội hóa thể thao thuận lợi, tỉnh cũng cần có những chính sách thu hút, như ưu đãi phù hợp cho các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước tài trợ cho hoạt động thể thao, có chính sách tạo điều kiện các doanh nghiệp kinh doanh thể thao hiệu quả, qua đó trích nguồn kinh phí đầu tư cho thể thao. Ngoài ra, hiện một số bộ môn thể thao tại Huế đã thành lập liên đoàn vì vậy nên có sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa các ban, ngành liên quan cùng các liên đoàn để tăng cường đầu tư cho thể thao, trong đó có vấn đề kêu gọi các mạnh thường quân, doanh nghiệp đồng hành cùng thể thao.