Xin được bắt đầu với Tàng Thơ Lâu (Tàng Thư Lâu) hay còn được gọi là lầu Tàng Thơ (Tàng Thư). Là vùng đất có nhiều thư viện và kho lưu trữ mang tầm cỡ quốc gia, nhưng công trình này vẫn được xem là một “Tàng kinh các” hiếm hoi của thời kỳ chế độ quân chủ còn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Sử chép, mùa hè năm 1825, Tàng Thơ Lâu được vua Minh Mạng cho phép thi công, nằm giữa hồ Học Hải, cạnh hồ Tịnh Tâm và nối với đất liền chỉ bằng một chiếc cầu đá. Một vị thế vừa thoáng đẹp lại vừa đảm bảo an toàn cho một công trình thực hiện tốt chức năng là một kho lưu trữ tư liệu quốc gia. Người Huế tự hào có Tàng Thơ Lâu.  

Năm 1945, triều Nguyễn cáo chung cũng là lúc Tàng Thơ Lâu kết thúc chức năng hoạt động của một kho lưu trữ tư liệu quốc gia. Hàng chục năm dường như bị lãng quên. Cách đây 2 năm, Tàng Thơ Lâu được tu bổ và đưa vào sử dụng. Nỗ lực của đội ngũ cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế không chỉ dừng lại ở việc phục dựng nguyên trạng hình ảnh Tàng Thơ Lâu trong quá khứ, mà hơn hết là đã “hồi sinh” một trung tâm lưu trữ tư liệu mang tầm cỡ quốc gia và khu vực, trả lại đúng vị thế và vai trò như đã từng hiện diện trong lịch sử.

Đúng vào Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023, một cuộc triển lãm sẽ được tổ chức tại công trình văn hóa lịch sử này và mang tên “Lưu dấu lịch sử - Khám phá Tàng Thơ Lâu”. Thật thích thú khi tôi được biết nhiều sách, tài liệu quý hiến tặng sẽ được trưng bày tại triển lãm. Trước đó, để có được nhiều tài liệu quý, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã phát động chương trình hiến tặng, tiếp nhận tài liệu, sách… Không dừng lại ở hình thức trưng bày mà hơn thế, các cá nhân, tổ chức tham gia hiến tặng, đóng góp hình ảnh, tư liệu còn được vinh danh tại triển lãm.

Nhớ cũng tại lầu Tàng Thơ, cách đây 2 năm, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ công bố đề án Tủ sách Huế. Tủ sách quảng bá hình ảnh Huế qua sách, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa văn hóa của vùng đất Cố đô... Theo đề án, việc xây dựng “Tủ sách Huế” nhằm bảo tồn nhiều tủ sách, nhiều cuốn sách về Huế đang có nguy cơ bị thất lạc, tẩu tán. Quá trình xây dựng đề án, tỉnh chỉ đạo mời gọi những đơn vị, tư nhân sở hữu những tủ sách, cuốn sách quý để phát huy giá trị, lan tỏa đến cộng đồng cũng như bảo quản và gìn giữ cho các thế hệ mai sau.

Không phải ngẫu nhiên mà Huế được mệnh danh là “thành phố sách”. Có thể nói, nhìn vào lịch sử vùng đất nghèo khó này, điểm nổi bật là sách vở. Từ những năm đầu thế kỷ 20, nhiều nhà bác học của Trường Viễn Ðông Bác Cổ từng từ Hà Nội vào Huế tìm tham khảo những thư tịch cổ về lịch sử và văn hóa. Người ta ví Huế ngang hàng với các trung tâm văn hóa lớn như Hà Nội, Sài Gòn thời ấy cũng nhờ sách. Trải qua thiên biến lịch sử, chiến tranh, lụt lội và mưa ẩm, nhiều người dân Huế vẫn kiên trì bảo vệ sách.

Khôi phục lầu Tàng Thơ và xây dựng Tủ sách Huế là cần thiết. Điều quan trọng hơn là những hồn cốt bên trong cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Bởi thế, những hiến tặng, đóng góp hình ảnh, tư liệu quý hiếm cho lầu Tàng Thơ hay Tủ sách Huế cần thiết được trân quý và vinh danh.

ĐAN DUY