A Lưới tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp |
Hội nghị lần thứ 6, Huyện ủy A Lưới (khóa XII) ngày 8/10/2021 đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU, về Cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện A Lưới, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 05).
Theo đó, huyện A Lưới tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong sản xuất nông nghiệp, tạo sự đột phá trong sản lượng, năng suất, chất lượng, giá trị của các sản phẩm trên địa bàn.
Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới cho biết, huyện A Lưới đã xác định phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn (NNHC, NNTH). Trong đó, quá trình sản xuất nông nghiệp kết hợp giữa truyền thống và các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cùng những phương pháp quản lý hiện đại theo chu trình khép kín để cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo.
Các chất thải, phế phẩm, phụ phẩm của quá trình sản xuất này lại làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác để tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản và tăng thu nhập cho người sản xuất.
Theo Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, nông dân trên địa bàn huyện đã bắt đầu nhận biết và chọn sản xuất NNHC là vì sức khỏe của gia đình, thu nhập cao hơn, môi trường tốt hơn, thực phẩm an toàn hơn. Vì vậy, từ năm 2020, UBND huyện đã tổ chức ký biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm NNHC với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm.
Từ cuối năm 2020 đến nay, huyện A Lưới đã tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn đầu tư, sản xuất NNHC được 4 mô hình chăn nuôi lợn và trồng 8ha ngô.
Kết quả cụ thể thực hiện các mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ tại 3 xã (Quảng Nhâm, A Ngo, Hồng Bắc) với số lượng 4 hộ tham gia, sản lượng gần 7 tấn lợn thịt/hộ/năm; thu khoảng 3,6 tấn/chuồng/năm, tương đương được 3,6 triệu đồng/năm/hộ. Các hộ nuôi đã sử dụng nguồn phân này để quay trở lại bón cho trồng cây của gia đình và bán phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Để đưa sản phẩm ra với thị trường, UBND huyện A Lưới đã bố trí một quầy bán sản phẩm thịt lợn hữu cơ tại khu vực chợ vùng cao A Lưới; thành lập điểm bán hàng chuối, rau củ quả hữu cơ của Hội LHPN huyện. Ngoài ra, còn tổ chức, vận động, tuyên truyền đến người dân, cán bộ công nhân viên các doanh nghiệp, nhà trẻ, cán bộ các cơ quan, ban ngành trên địa bàn huyện ưu tiên sử dụng các sản phẩm NNHC do nông dân sản xuất trên địa bàn; hướng dẫn các hộ làm hồ sơ, thủ tục để được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị Quyết 20/2020/NQ-HĐND và Nghị quyết số 30/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh sau khi đã thực hiện đảm bảo các hạng mục theo quy định.
Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện, theo hướng NNHC, NNTH, góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Trong đó, tập trung chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng số hộ tham gia mô hình sản xuất NNHC, xây dựng và thực hiện mô hình sản xuất NNTH, mở rộng quy mô sản xuất nhằm góp phần sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững.
A Lưới xác định chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 tăng 1,8-2 lần (so với năm 2020). Thời gian đến, huyện sẽ quan tâm bố trí nguồn ngân sách và cùng phối hợp với Trường đại học Nông Lâm Huế để thực hiện dự án nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn huyện A Lưới.
Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, các cá nhân có điều kiện đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi và chế biến nông sản; huyện có chính sách ưu tiên các doanh nghiệp liên kết với nông dân để thu mua, chế biến các sản phẩm chủ lực.
Theo ông Hồ Văn Ngưm, chính quyền thực hiện triển khai quy hoạch vùng sản xuất tập trung, quan tâm quy hoạch theo liên kết vùng phù hợp quy hoạch chung về kinh tế - xã hội của huyện. Khuyến khích nông dân đổi thửa để tạo ra vùng sản xuất tập trung quy mô lớn làm cơ sở quy hoạch NTM. Thực hiện quy hoạch bản đồ nông hóa thổ nhưỡng. Từng bước áp dụng cơ giới hóa ở các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, phù hợp với điều kiện từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi. Có chính sách “kích cầu” các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp. Xác định đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất là khâu đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
A Lưới có tổng diện tích gieo trồng bình quân hàng năm ước đạt 5.800ha/năm. Sản lượng lương thực có hạt bình quân 18.000 tấn/năm. Tổng đàn gia súc bình quân hàng năm trên 42.400 con. Huyện đã phát triển được một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực, phát triển NNHC, tiêu chuẩn VietGAP và ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống năng suất, chất lượng cao. |