Sinh viên Khoa Kỹ thuật và Công nghệ hướng dẫn cho học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh trải nghiệm |
Tạo hứng thú và hiệu quả
Trong không gian phòng học STEM tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (huyện Quảng Điền), học sinh hứng thú với các trải nghiệm sáng tạo. Những hướng dẫn từ sinh viên Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế càng kích thích cho học sinh tại trường mày mò thử làm các sản phẩm mang tính ứng dụng. Nguyễn Phương Cát Tường, học sinh lớp 10/1 chia sẻ: “Câu lạc bộ khoa học công nghệ - PRAM ra đời gắn với mô hình chuyển giao phòng học STEM và đào tạo lập trình. Tại đây, chúng em không chỉ học hỏi thêm nhiều kỹ năng, kiến thức mới, mà còn có thể tự do sáng tạo và thỏa thích tư duy theo lối đi riêng”.
Phòng học STEM tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh là mô hình mới được Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế chuyển giao thông qua hỗ trợ từ hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường. Tuy mới mẻ, nhưng giá trị từ mô hình này đã được thể hiện. Thầy giáo Hà Nam Thanh, Bí thư Đoàn trường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ PRAM chia sẻ, về góc độ chuyên môn, đây là lĩnh vực các em học sinh rất có nhu cầu. Chương trình hiện tại chủ yếu giảng dạy lý thuyết và khung chương trình cũng chưa có những nội dung này. Mặt khác, điều kiện cơ sở vật chất để đáp ứng cho học sinh có cơ hội thực hành ở trường THPT về lập trình và chế tạo rô-bốt là rất khó. Cũng vì vậy, khi triển khai mô hình này, học sinh rất hào hứng, đặc biệt là các em lớp 10. Niềm đam mê, hào hứng đã bước đầu tạo ra những hiệu quả, kích thích học sinh hăng say học tập và trải nghiệm.
Giáo dục STEM và đào tạo lập trình cho học sinh THPT là những nội dung trọng tâm của chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay. TS. Nguyễn Quang Lịch, Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế cho biết, để mô hình trên hoạt động hiệu quả, mang lại giá trị cho người học, ngoài chuyển giao 5 bộ máy tính, các sách về STEM, sách chuyên môn, các mô hình rô-bốt và các thiết bị liên quan, đơn vị cũng thường xuyên đưa sinh viên về hướng dẫn cho học sinh các kiến thức, kỹ năng liên quan đến các ngành nghề về kỹ thuật công nghệ.
“Điển hình như với ngành kỹ thuật điện, sinh viên hướng dẫn cho học sinh làm các mạch điện - điện tử, các dạng đèn, màn hình led hay ngành trí tuệ nhân tạo giúp cho học sinh làm các ứng dụng trí tuệ nhân tạo... Thông qua việc phân nhóm theo lĩnh vực định hướng nghề nghiệp, giảng viên và sinh viên cùng giáo viên công nghệ của nhà trường cũng hướng dẫn cho học sinh tìm hiểu kiến thức, kỹ năng tại trường ĐH, khơi dậy đam mê về khoa học, kỹ thuật và công nghệ, góp phần định hướng tốt về nghề nghiệp sau khi các em tốt nghiệp THPT”, TS. Lịch khẳng định.
Theo thầy giáo Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, việc gắn kết với Khoa Kỹ thuật và Công nghệ nhằm xây dựng phòng học lập trình, tổ chức hoạt động câu lạc bộ và hướng dẫn lập trình cho học sinh đam mê công nghệ thông tin, kỹ thuật để các em học sinh trải nghiệm lập trình rô-bốt, lập trình microbit, điều khiển rô-bốt… hỗ trợ cố vấn học sinh tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật sẽ tạo ra nhiều giá trị thực tiễn. Bên cạnh việc thực hiện gắn kết, chuyển giao tri thức, hoạt động này cũng đóng vai trò chia sẻ tài nguyên của giáo dục ĐH tới trường THPT, kéo gần lại khoảng cách giữa bậc ĐH và bậc phổ thông mà lực lượng sinh viên chính là cầu nối hiệu quả nhất.
Nên nhân rộng
Trên thực tế, mô hình phòng học STEM đã được một số trường THPT trên toàn quốc quan tâm xây dựng, thế nhưng việc gắn kết, chuyển giao như mô hình trên của Khoa Kỹ thuật và Công nghệ với Trường THPT Nguyễn Chí Thanh thì rất mới, được xem là mô hình tiên phong.
Tại chương trình chuyển giao phòng học STEM và đào tạo lập trình cho học sinh THPT ở Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đánh giá cao mô hình gắn kết giữa đơn vị đào tạo ĐH và trường THPT trong hoạt động giáo dục STEM nói riêng, định hướng nghề nghiệp và các hoạt động giáo dục đào tạo nói chung. Đồng thời mong muốn trong thời gian tới, mô hình gắn kết giữa các đơn vị đào tạo ĐH và các trường THPT sẽ phát huy tính hiệu quả và được nhân rộng, góp phần hướng nghiệp cho học sinh, thúc đẩy hiệu quả trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà.
TS. Nguyễn Quang Lịch cho biết, sắp tới đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư thêm trang, thiết bị cho phòng học STEM tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh và tiếp tục chuyển giao thêm các phòng học STEM cho một số trường THPT khác trên địa bàn. Mong muốn rất lớn, nhưng một trong những trăn trở lớn là nguồn lực có hạn, cũng cần sự đồng hành của nhiều đơn vị khác để chương trình được nhân rộng trên toàn tỉnh.
Rõ ràng, nền tảng lý thuyết và kỹ năng thực hành song song mang lại nhiều hiệu quả. Trong bối cảnh các trường ĐH đang đẩy mạnh gắn kết với trường THPT trong giáo dục hướng nghiệp và chia sẻ, hỗ trợ, thúc đẩy giáo dục hai bậc học thì mô hình trên rất đáng để tham khảo và nhân rộng. Tùy vào lĩnh vực, chuyên môn của từng đơn vị, có thể hỗ trợ, chuyển giao các phòng học STEM cho trường phổ thông, đó cũng là cách để khẳng định và quảng bá thương hiệu cơ sở giáo dục ĐH, cũng như định hướng nghề nghiệp phù hợp năng lực, đam mê của học sinh, góp phần tạo tiền đề cho công tác tuyển sinh, đào tạo sau này.