Đường Lê Thánh Tôn thuộc gói thầu số 24 vẫn chưa hoàn thành thảm nhựa mặt đường |
Chậm tiến độ “rất sâu”
Theo Ban Quản lý Dự án (QLDA) Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên Huế, DA hiện có 8 gói thầu đang triển khai thi công cả phía bắc và nam TP. Huế.
Chậm tiến độ “dai dẳng” nhất hiện nay là gói thầu số 24 gồm hệ thống thoát nước và vỉa hè 4 phường nội thành; nạo vét và kè hồ kinh thành; chỉnh trang và xây dựng kè dọc bờ sông Đông Ba. Gói thầu được khởi công từ tháng 4/2021, do Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại 299 thi công với giá trị hợp đồng hơn 224 tỷ đồng.
Hiện nay, nhà thầu đang triển khai thi công 14/16 tuyến đường, 4 hồ (Phong Trạch, Cây Mưng, Tiền Bảo và hồ Vuông) và kè Đông Ba. Ghi nhận của PV cho thấy, các công trình đều thi công dang dở, ì ạch và chậm tiến độ có “hệ thống”, dù chủ đầu tư đã 4 lần phát văn bản cảnh báo nhà thầu này. Cụ thể, theo Ban QLDA, thời gian thực hiện hợp đồng đã qua 702 ngày tương ứng 64,1%, giá trị thực hiện trong tháng 3/2023 là hơn 3,7 tỷ đồng, giá trị thực hiện lũy kế đến cuối tháng 3/2023 là hơn 87,8 tỷ đồng, đạt hơn 39% giá trị hợp đồng, thấp hơn 46,5% so với kế hoạch. Tiến độ thi công gói thầu chậm 370 ngày.
Ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban QLDA đánh giá, tiến độ thi công gói thầu đang chậm rất sâu, ngoài những nguyên nhân như công tác GPMB, các thay đổi điều chỉnh thiết kế để chỉnh trang đô thị, bảo vệ di tích, công trình ngầm, cáp quang, cây xanh thì năng lực thi công hạn chế của nhà thầu cũng ảnh hưởng đến tiến độ chung. Ban chỉ huy công trường thiếu cán bộ kỹ thuật có đủ năng lực chuyên trách để thực hiện công tác chỉ đạo thi công. Các thiết bị thi công như máy lu, máy đào, ô tô tưới nước thiếu trầm trọng. Dây chuyền thảm bê tông nhựa phụ thuộc hoàn toàn vào nhà thầu phụ, gây ra sự chậm trễ tiến độ hoàn trả mặt đường. Công tác đảm bảo an toàn giao thông có nhiều vi phạm xảy ra do thiếu cán bộ an toàn chuyên trách.
Tương tự, tại gói thầu số 27 gồm thi công đường Bùi Thị Xuân và đường Huyền Trân Công Chúa, được khởi công tháng 9/2020, hoàn thành tháng 8/2023, do Liên danh Công ty cổ phần Thành Đạt - Công ty cổ phần Xây dựng 68 Hà Tĩnh thi công, với tổng giá trị hợp đồng hơn 89 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay công trình mới chỉ đắp đất nền một số đoạn, thi công một số cống ngang trên tuyến, đúc dầm cầu. Đặc biệt, đoạn từ đường Bùi Thị Xuân đến đường Lê Ngô Cát dài hơn 1,9km nhà thầu chưa triển khai thi công, do chưa có mặt bằng sạch.
Thời gian thi công gói thầu đã qua 914 ngày tương ứng gần 86%, giá trị thực hiện trong tháng 3/2023 là 68 triệu đồng đạt 0,02% kế hoạch. Tổng giá trị thực hiện lũy kế đến cuối 3/2023 là gần 5,8 tỷ đồng đạt 6,5% giá trị hợp đồng, thấp hơn 76,7% so với kế hoạch.
Đối với Công ty cổ phần Xây dựng 68 Hà Tĩnh, Ban QLDA đã nhiều lần gửi văn bản cảnh báo thi công chậm tiến độ và đề nghị làm thủ tục chấm dứt hợp đồng với đơn vị này.
Còn nhiều vướng mắc
DA đô thị xanh được UBND tỉnh phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng tại Quyết định số 894/QĐ-UBND ngày 29/4/2016 với tổng mức đầu tư hơn 1.617 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài là hơn 1.353 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh gần 264 tỷ đồng. DA gồm có 10 gói thầu xây lắp. Đến nay, đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu 10 gói thầu, trong đó 2 gói thầu đã đưa vào sử dụng, 8 gói thầu đang triển khai thi công cả phía bắc và nam TP. Huế. |
Theo Ban QLDA, các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân chậm thi công chủ yếu do địa bàn GPMB rộng lớn ảnh hưởng đến 19/36 phường thuộc TP. Huế, số hộ ảnh hưởng lớn với 2.972 hộ gia đình, tổ chức.
Hiện tại DA đang triển khai 54 hạng mục công trình xây dựng trên địa bàn TP. Huế, ngoài 19 công trình không GPMB cùng với 4 công trình đã GPMB xong, thì số còn lại đều đang tồn tại nhiều vướng mắc dẫn đến nhà thầu không có mặt bằng “sạch” để thi công.
Chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu cần tập trung thi công hoàn thành tất cả các hạng mục công việc đối với các vị trí không vướng mặt bằng, đủ hồ sơ thiết kế thi công và tăng cường máy móc thiết bị, nhân công để đẩy nhanh tiến độ gói thầu.
Ông Võ Văn Việt cho rằng, tiến độ GPMB hiện nay chưa đáp ứng kịp tiến độ thi công công trình, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch giải ngân vốn được giao trong năm 2022. Trong năm 2022, việc giá nhiên liệu, vật liệu tăng đột biến, các nhà cung cấp vật liệu trong tỉnh chỉ cung cấp vật liệu sau khi thanh toán trước kinh phí và việc khan hiếm nguồn vật liệu tài nguyên san lấp cũng làm ảnh hưởng đến việc cung cấp vật tư để thi công công trình.
Ngoài ra, về đơn giá cây trồng, vật nuôi thủy sản làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; hệ số điều chỉnh để tính đơn giá nhà, công trình, vật kiến trúc và các loại mồ mả trên địa bàn tỉnh, các quyết định của UBND tỉnh hết hiệu lực được thay thế bằng quyết định mới, do đó ảnh hưởng đến công tác áp giá niêm yết phương án bồi thường GPMB thực hiện DA…
Trước những khó khăn, vướng mắc, Ban QLDA đã kiến nghị và đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng các khu đất tái định cư (TĐC) sớm hoàn thành, bàn giao để thực hiện bố trí tái định cư, di dời GPMB. Cụ thể đối với khu TĐC5 (24 lô), khu Bàu Vá 4 (23 lô) do Ban QLDA Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh làm chủ đầu tư phục vụ TĐC hạng mục đường 100m nối 2 khu đô thị A và B Khu đô thị mới An Vân Dương và các dự án khác, hiện nay chưa hoàn thiện hạ tầng do đó chưa bàn giao cho chủ đầu tư triển khai GPMB. Ban QLDA kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh công tác hoàn thiện hạ tầng Khu TĐC5.
Khu CTR13 với 87 lô đã bàn giao 58 lô, còn thiếu 29 lô, Ban QLDA đang phối hợp các đơn vị liên quan trình phê duyệt phương án phân lô Khu TĐC Thủy Vân giai đoạn 2 để lấy quỹ đất TĐC cho DA.