Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong quý 1/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+ |
Đại diện Bộ Công Thương cho biết quý 1/2023 giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 5,6% (sản lượng khai thác than giảm 0,5% và dầu mỏ thô khai thác giảm 6%), làm giảm 0,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%, làm giảm 0,01 điểm phần trăm.
Đáng chú ý, trong quý đầu năm nay, công nghiệp chế biến, chế tạo không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế khi giá trị tăng thêm của ngành giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Làm rõ hơn, theo đại diện Bộ Công Thương, ngay từ đầu năm 2023, năng lực sản xuất của nền kinh tế đã có dấu hiệu suy yếu với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 giảm 14,6% so với tháng trước đó và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước do số ngày làm việc của tháng 1/2023 ít hơn các năm trước đó vì trùng 2 dịp nghỉ Tết.
Bước sang tháng 2/2023, do tổng cầu từ nước ngoài suy giảm tác động đến số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp. Còn tháng 3/2023, mặc dù sản xuất công nghiệp có sự phục hồi so với tháng trước khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,6% so với tháng 2/2023 nhưng so với cùng kỳ có sự giảm nhẹ 1,6%.
Tính chung quý 1/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 4,5%.
Thống kê cho thấy một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm so với cùng kỳ năm trước, như: Ôtô giảm 17,8%; xe máy giảm 13,8%; linh kiện điện thoại giảm 13,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên và điện thoại di động cùng giảm 13,1%...
Theo ông Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, năng lực kỹ thuật sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không kém và hoàn toàn có thể sản xuất được các linh kiện, phụ tùng cho các hãng ôtô nhưng chi phí sản xuất cao, không cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài cùng lĩnh vực.
Do đó, mấu chốt để các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi liên kết với các nhà sản xuất thượng tầng là phải cắt giảm được chi phí sản xuất.
Về mặt chiến lược, Việt Nam cần tăng quy mô doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ, hình thành cụm doanh nghiệp, hệ sinh thái để sản xuất cụm linh kiện hoàn chỉnh.
"Các cơ quan Nhà nước cũng cần có hỗ trợ năng lực thương mại và kết nối doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia," ông Bình nêu đề xuất.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này, lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị chức năng bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực đồng thời tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất và tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn toàn cầu.
Cùng với đó, các đơn vị phải tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực chế biến, chế tạo có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển.