Xếp sau vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Trung Du và miền núi phía bắc và vùng Đông Nam Bộ về chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI), vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đứng ở vị trí thứ 4 với tỷ lệ 98,33%. Hai vị trí tiếp theo thuộc về Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Mặc dù mang tính tương đối nhưng đây là chỉ tiêu quốc gia, phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong một thời gian nhất định, thường được tính theo năm. Đây cũng là chỉ số phản ảnh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ người dân của 62 tỉnh, thành phố.

So với 2 năm trước đó về chỉ số SCOLI, khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đã có những chuyển động, với tỷ lệ từ 100,04% (2020) và 98,74% (2021). Tính riêng trong năm 2022 theo số liệu vừa được công bố theo vùng của Tổng cục Thống kê, Thừa Thiên Huế (95,83%) chỉ đứng sau Đà Nẵng (95,89%) nhưng lại đứng ở top đầu nếu chỉ tính riêng vùng Bắc Trung Bộ (theo sau là Quảng Bình 94,75%; Hà Tĩnh 92,13%; Thanh Hóa 91,5%; Nghệ An 90,3%). Cuối cùng là Quảng Trị 86,83% và đây cũng là địa phương có có chỉ số SCOLI năm 2022 thấp nhất cả nước.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số SCOLI cao hay thấp, cơ bản đều phụ thuộc vào nguồn cung hàng hóa và sức mua của người tiêu dùng. Trong cái nhìn tổng quan, khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có lợi thế về kinh tế biển và được khai thác có hiệu quả. Không chỉ thủy, hải sản mà ngay cả giá lương thực, thực phẩm tươi sống và chế biến, ăn uống ngoài gia đình có mức thấp. 95,17% là tương quan so sánh về dịch vụ ăn uống của vùng này so với vùng Đồng bằng sông Hồng. 88,88% và 98,93% là tương quan so sánh ở nhóm mũ, nón, giày dép và bưu chính viễn thông. Một số nhóm hàng hóa có tương quan cao hơn, từ 103,37% ở đồ uống và thuốc lá; 102,91% ở thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục có tỷ lệ so sánh là 101,79% và 101,76% thuộc về văn hóa, giải trí và du lịch.

Điểm khác biệt của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung so với các vùng miền khác là vừa có địa phương có chỉ số SCOLI ở nhóm cao nhất - thứ tư trong top 5 (Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu) - lại vừa có địa phương có chỉ số SCOLI ở mức thấp nhất - là Quảng Trị với tỷ lệ 86,83% so với Hà Nội. Theo chúng tôi, bên cạnh việc phản ánh mặt bằng chung về hàng hóa, về giá và mức sinh hoạt chung của người dân, điều này còn phản ánh sự phát triển chưa tương quan về kinh tế, xã hội của các tỉnh trong vùng.

Trong cái nhìn tổng quan, Thừa Thiên Huế không nằm trong nhóm địa phương có chỉ số SCOLI ở mức cao, nhưng với tỷ lệ so sánh là 95,83% cũng chỉ cách Đà Nẵng một con số không quá xa. Con số này cho thấy chỉ số hàng hóa và mức tiêu dùng chưa cao, nhưng không thấp. Hay nói một cách khác theo cảm quan của chúng tôi là còn ở mức dễ chịu.

Nếu SCOLI là cơ sở để tính Chỉ số phát triển con người (HDI) và Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo sức mua tương đương và các doanh nghiệp có thể sử dụng chỉ số SCOLI để đánh giá tính cạnh tranh liên quan đến giá, thị phần, chi phí sản phẩm; các cá nhân có thể sử dụng chỉ số SCOLI để thương lượng về mức tiền công và xem xét khả năng di cư giữa các địa phương… thì điều này cũng cho thấy, Thừa Thiên Huế vẫn còn dư địa để phát triển.

Nguyễn Bình An