leftcenterrightdel
Bến xe vắng vẻ, cỏ mọc um tùm, nhếch nhác, không mang lại hiệu quả trong thời gian hiện nay 

Mới đây chúng tôi "sở mục thị" bến xe liên tỉnh Vinh Hưng với mong muốn gặp được một vài người, xe cộ hoạt động làm việc ở đây, nhưng tất cả chỉ là một không gian vắng vẻ im ắng đến lạ. Ngoài cổng có một trạm kiểm chốt, bên trên treo tấm bảng giới thiệu với hàng chữ nhỏ - bến xe liên tỉnh Vinh Hưng.

Một cán bộ xã Vinh Hưng cho hay, nói là bến xe hiện diện hơn 20 năm nay nhưng thấy xe cộ vào ra, vắng vẻ lắm. Trước đây nằm hoang phế, sân bãi trâu bò vào ở và người dân tận dụng phơi đậu mè, lúa... Mấy năm gần đây được chỉnh trang nâng cấp nên mỗi ngày có 5-6 chuyến xe liên tỉnh, như Huế - Sài Gòn, Hà Nội, Quảng Bình... đón khách các nơi rồi vào ký lệnh xuất bến, chứ xe không vào bến để đậu, đón khách.

 Hiện nay ở Vinh Hưng đường sá đã thông thương, nhất là trục QL49B đã kết nối với các trung tâm huyện, thị Phú Lộc, Phú Vang, TP. Huế chỉ vài ba chục phút đi xe máy hoặc ô tô. Ở Vinh Hưng hiện cũng có xe buýt, "xe dù, xe ké" ngày càng nhiều, ai muốn đi cứ ra đường đứng chờ 15 phút là có chuyến xe buýt, "xe dù xe ké" đưa đón tận nơi. Bà con muốn đi đâu rất tiện, giá cả cạnh tranh. Chưa nói xe gia đình cũng không ít, nên nhu cầu đi xe ở Vinh Hưng không còn khó khăn như trước kia.

 Ông Trương Văn Nhẫn, Giám đốc HTX Vận tải Ô tô huyện Phú Lộc - Chủ đầu tư Bến xe liên tỉnh Vinh Hưng cho hay, cách đây 20 năm, huyện, tỉnh đã quy hoạch phát triển tại khu 3 Phú Lộc một bến xe không ngoài mục đích phục vụ người dân các xã ven biển, đầm phá của Phú Lộc và cho người dân ở Vinh An, Vinh Thanh, Vinh Xuân (Phú Vang). Bến xe này hiện thuộc loại IV, diện tích 3.016m2, đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Xác định đầu tư khi hình thành bến xe Vinh Hưng chắc chắn hoạt động sẽ không hiệu quả vì lượng khách đi lại ở khu vực này ít. Tuy vậy, chúng tôi vẫn muốn bến xe Vinh Hưng này tồn tại để ổn định, tập trung, tránh tình trạng xe chạy đón tứ tung rồi đậu đỗ bừa bãi, cần nề nếp để quản lý chứ không thả.

Tất nhiên các chủ xe sẽ không thích vào bến, bởi sẽ tốn phí; người dân chưa chắc sẽ thích vì ở nhà xe tới đón vẫn hơn. Nhưng không thể không có bến, bởi đó là sự quy củ trong quản lý, điều hành giao thông, lại giúp người dân dễ liên lạc, tìm kiếm.

Vấn đề đặt ra hiện nay là câu chuyện quản lý cần theo kịp sự phát triển của xã hội. Theo Giám đốc HTX Vận tải Ô tô Phú Lộc, mọi thứ không còn như trước kia. Theo quy hoạch vùng cũng như định hướng phát triển các đô thị Vinh Thanh, Vinh An (Phú Vang), Vinh Hưng, Vinh Hiền (Phú Lộc), bến xe Vinh Hưng không chỉ tồn tại mà còn phát triển. Với chủ trương xã hội hóa, hiện nay bến xe Vinh Hưng từ loại IV lên loại II với diện tích hơn 10.000m2. Tuy vậy bài toán đặt ra lúc này là nguồn vốn đầu tư xây dựng.

HTX Vận tải Ô tô Phú Lộc xem đó là cơ hội, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, huyện để bến xe liên tỉnh Vinh Hưng được tiếp tục hoàn thiện bến bãi, vừa siết chặt kỷ cương quản lý, thì sẽ không còn tình trạng trong bến xe trống, vắng nhưng bên ngoài xe vẫn tứ tung chạy đón khách như hiện nay.

Bài, ảnh: SONG MINH