Khách du lịch tham quan di sản văn hóa Huế. Ảnh: MC |
Cuốn sách dày trên 300 trang, được chia thành 2 phần: Vị thế Huế dưới thời các chúa Nguyễn, triều Tây Sơn và Vương triều Nguyễn; Chiến lược phát triển của thành phố Huế.
Huế là vùng đất có truyền thống lịch sử, chiều sâu văn hóa. Từng là Thủ phủ của Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, rồi trở thành Kinh đô đất nước dưới triều Tây Sơn và cuối cùng là Kinh đô đất nước trong gần một thế kỷ rưỡi dưới triều Nguyễn. Với vai trò là Kinh đô, Huế trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa nghệ thuật quan trọng của cả nước.
Với vị thế là Kinh đô, Huế là biểu tượng ý thức độc lập, tự chủ, sự vững mạnh của nền chính trị thống nhất, đồng thời đây là nơi thể hiện quy hoạch hoàn chỉnh mang tính ưu việt cùng với hệ thống các công trình mang tính nghệ thuật cao mà ngày nay cộng đồng quốc tế đã thừa nhận giá trị bằng nhiều danh hiệu cao quý.
Hiện nay, thành phố Huế đã được mở rộng gấp 4 lần, từ 70,67km2 lên 265,99km2, với 29 phường và 7 xã, đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc khai thác tiềm lực, phát triển quan hệ giao lưu kinh tế - văn hóa với các vùng trong nước và quốc tế. Quá trình đô thị hóa đối với thành phố Huế cũng là một xu thế mới với những đặc trưng phát huy thế mạnh của địa phương và cũng là kết quả mang tính quy luật trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
TS. Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: “Huế phải tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Trong xây dựng phải đi theo hướng bền vững, hạn chế hình thành các khu công nghiệp có tính quy mô, dày đặc ở các khu vực gần thành phố. Tức là, phải làm cho thành phố Huế phát triển mạnh lên từ kinh tế, nhưng phải có những giải pháp để giữ gìn các tài sản văn hóa không bị ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường.
“Huế cần tăng cường xây dựng các thiết chế văn hóa, đồng thời chú trọng phát triển các loại hàng hóa thủ công mỹ nghệ, vừa bảo tồn được các ngành nghề truyền thống, vừa tạo ra những sản phẩm độc đáo, chính đây là những thế mạnh phục vụ phát triển du lịch” - TS. Phan Tiến Dũng nhận định.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật: “Mục tiêu lớn của Huế trong tương lai là sẽ trở thành “Kinh đô văn hóa sáng tạo” của Việt Nam, góp phần đưa Thừa Thiên Huế sớm vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Huế sẽ được cộng đồng quốc tế biết đến như một điểm sáng văn hóa của Việt Nam. Để làm được điều đó rất cần sự đồng lòng, trách nhiệm, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Huế”.
Bên cạnh đó là sự chung tay, góp sức của các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp, cộng đồng doanh nhân sáng tạo, các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn với tinh thần “Hợp tác và phát triển”, để Huế xứng tầm là thành phố di sản, thành phố văn hóa, thành phố bền vững về môi trường ASEAN, thành phố du lịch sạch, thành phố xanh quốc gia của Việt Nam và các danh hiệu vinh dự cao quý khác.
Các bài tham luận tập trung làm rõ, về vị trí, vai trò của Huế trong các thời kỳ lịch sử. Huế là đô thị lịch sử, mang trong mình các giá trị di sản, là nơi còn giữ được bản sắc, hồn cốt của dân tộc Việt, việc giữ gìn, bảo tồn là vô cùng cần thiết, nhưng Huế phải hình thành giá trị mới, có như vậy mới tạo ra được cơ hội phát triển lâu dài và bền vững.