leftcenterrightdel
Hướng dẫn học sinh thảo luận trong giờ học. Ảnh: Q. Phúc 

Thầy giáo Đặng Vũ Hoàng ở Trường THPT chuyên Quốc Học Huế luôn tổ chức cho HS lớp mình chủ nhiệm tham gia các hoạt động tập thể sôi nổi ngoài giờ học. Những dịp nghỉ, thầy cho HS đi dã ngoại tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên trong và ngoài thành phố. Những hoạt động này thật sự có ý nghĩa nhằm tạo không khí vui tươi, thân thiện, tạo sự gắn kết, thấu hiểu hơn giữa các thành viên trong lớp.

Cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Trường THCS Nguyễn Duy (Phong Điền) 15 năm đồng hành với HS là 15 năm mang yêu thương đến với các em nơi vùng quê nghèo. Với cô Thúy, quan trọng nhất, thầy, cô giáo phải là những người biết yêu thương và yêu thương chân thành. Trong phương pháp giáo dục, cô Thúy luôn xem HS là những người bạn. Giờ ra chơi, cô Thúy ngồi bên các em để hỏi han, để chia sẻ, để lắng nghe tâm sự của các em, từ đó mà đưa ra lời khuyên, lời động viên chân thành. Cũng có khi, cô Thúy còn hòa vào trò chơi đá cầu cùng HS trên sân trường.

Cô giáo Mai Thị Lệ Chinh ở Trường THCS Phú Dương (TP. Huế) hơn 25 năm đi dạy và làm công tác quản lý là chừng ấy năm cô miệt mài đi tìm, liên hệ các mạnh thường quân, những nhà hảo tâm để tặng học bổng, giúp đỡ cho các em nghèo. Em Lê Võ Thành Nam ở Phú Mậu, thi đỗ vào Trường THPT chuyên Quốc Học Huế là một minh chứng. Hiểu rõ hoàn cảnh của Nam, cô Chinh đã trực tiếp tìm hiểu, liên hệ với Trung tâm Nuôi dạy trẻ em làng SOS (Thủy Xuân) để cậu học trò được lên đây ăn ở và đi học. Giờ đây, Nam đang là HS lớp 12 chuyên Tin. Em rất biết ơn cô Chinh. Chính việc làm kết nối của cô đã giúp em yên tâm học hành theo đuổi ước mơ của mình.

Mỗi thầy, cô giáo không chỉ dùng lời nói để giáo dục, cảm hóa mà quan trọng hơn phải sát cánh, đồng hành với các em bằng những cử chỉ, việc làm, hành động cụ thể, thiết thực. Chẳng có gì thuyết phục khi một thầy, cô giáo lúc nào cũng yêu cầu HS thế này thế nọ, nhưng bản thân tiết dạy trên lớp thì nhàm chán với các em. Để các em tâm phục và khẩu phục, mỗi người thầy cần đầu tư, dồn đam mê vào trong từng tiết dạy, từ khâu chuẩn bị giáo án đến việc truyền đạt kiến thức, phương pháp lên lớp… Bằng tình thương, năng lực, mỗi thầy, cô phải tự mình thiết kế bài dạy hay; sáng tạo ra những việc làm mới để lôi cuốn, để qua đó góp phần giáo dục HS.

“Hộp gửi điện thoại” là một sáng tạo về việc tạo môi trường học tập thật tập trung cho các em HS cuối cấp của cô giáo Bùi Thúy Liên, chủ nhiệm lớp 12B10 Trường THPT Gia Hội Huế. Cứ đầu mỗi buổi học, các HS sau khi cài đặt ở chế độ im lặng sẽ tự mình bỏ điện thoại vào chiếc hộp ở bàn giáo viên và ký tên vào ô gửi ở danh sách do ban cán sự lớp phụ trách. Chiếc hộp ấy được đặt ở một góc của bàn giáo viên, giờ ra chơi sẽ phân chia từng nhóm HS ở lại lớp để quản lý. Cuối mỗi buổi học, HS ký và nhận lại điện thoại. Sau những thuyết phục chân thành của cô Liên, các em HS đã vui vẻ đồng ý thực hiện mô hình “Hộp gửi điện thoại”, với quyết tâm đỗ tốt nghiệp THPT 100%. Ở những tiết học cho phép sử dụng điện thoại, HS sẽ được nhận lại. Khi phụ huynh có việc gấp thì liên hệ với giám thị qua số điện thoại được giáo viên chủ nhiệm cung cấp sẵn.

Thầy giáo Lê Triều Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội cho biết: Điều đáng mừng là các em xung phong gửi điện thoại di động đầu tiên là những HS có kết quả học tập chưa tốt. Từ lớp cô Liên chủ nhiệm, và cứ thế HS các lớp khác cũng vui vẻ gửi điện thoại lên bàn giáo viên để tập trung vào tiết học. Vẫn còn nhiều thứ cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế nhưng dẫu sao, đó là một kế hoạch hay để rèn luyện các em… Đó cũng là việc làm thể hiện tấm lòng, tâm huyết của mỗi thầy, cô giáo.

TRẦN VĂN TOẢN