leftcenterrightdel
Cầu bắc qua sông Lợi Nông chậm tiến độ kéo dài 

Dự án cầu Lợi Nông được phê duyệt đầu tư từ năm 2016. Một năm sau UBND TP. Huế có thông báo thu hồi đất và đến năm 2020 thì ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc dự án cầu bắc qua sông Lợi Nông, ở phường An Đông với tổng số tiền 23,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, cơ quan chức năng phải bổ sung thêm 68 tỷ đồng để phục vụ công tác GPMB và bổ sung nguồn vốn thi công. Tiền đã có, thế nhưng công tác GPMB vẫn chưa dứt điểm là một trong những nguyên nhân khiến công trình chậm tiến độ.

Theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế, hiện còn vướng 4/43 trường hợp nằm trong diện giải tỏa, đền bù chưa thu hồi đất, trong đó có 1 hộ dân đã nhận tiền đền bù, bốc thăm nhận đất tái định cư và hứa bàn giao mặt bằng cuối năm 2022, nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao mặt bằng. 3 trường hợp còn lại, một là đất của nhà thờ họ Nguyễn, 1 hộ còn xem xét do liên quan đến đất của Am Vạn Vạn và 1 hộ là các đồng thừa kế cũng đang vướng trong việc bố trí tái định cư.

Đáng nói là trong 4 trường hợp này có trường hợp đã nhận tiền đền bù đã lâu, nhưng UBND TP vẫn chưa cương quyết xử lý cưỡng chế. Trường hợp khác là đất nhà thờ họ Nguyễn, với diện tích khoảng gần 400m2, trong đó diện tích thu hồi 222,8m2. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các thủ tục liên quan để thu hồi đất, đền bù và GPMB, con cháu nhà thờ họ Nguyễn không thống nhất với phương án đền bù của Nhà nước là chỉ bồi thường 222,8m2 đất tín ngưỡng chứ không đền bù đất. Họ cho rằng như vậy là không thỏa đáng nên không nhận tiền đền bù và kiến nghị liên quan đến giá đất, mức bồi thường và giao đất cho nhà thờ họ Nguyễn. Họ chấp nhận giải tỏa và thu hồi toàn bộ diện tích khuôn viên nhà thờ để được cấp đổi đất tương đương diện tích đất thu hồi để xây lại nhà thờ, hội trường và nơi tế lễ của 300 con cháu trong dòng họ. Về kiến nghị này, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế đã báo cáo với UBND TP. Huế để báo cáo UBND tỉnh và xin chủ trương thống nhất thu hồi toàn bộ diện tích đất của nhà thờ và giao lại đất cho họ Nguyễn. Tuy nhiên, quá trình này chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian. Và như thế tiến độ công trình cầu bắc qua sông Lợi Nông sẽ còn bị ảnh hưởng.

Nếu từ đầu, đơn vị tham mưu hoặc trực tiếp làm công tác GPMB thấu đáo hơn, đề xuất được các phương án hợp lý hơn thì việc giải tỏa, đền bù như trường hợp đất nhà thờ họ Nguyễn sẽ không kéo dài năm này qua năm khác như thế. Hoặc nếu cương quyết hơn trong việc cưỡng chế hộ chây ì không bàn giao mặt bằng thì không chỉ giúp công trình đạt tiến độ, mà còn làm gương cho những hộ cố tình hoặc có ý định cố tình chây ì không bàn giao mặt bằng, dù đã nhận tiền, nhận đất đền bù…

Vẫn biết công tác giải tỏa, đền bù không đơn giản nếu không muốn nói là quá phức tạp vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, thu nhập… của rất nhiều người. Nhưng dù khó vẫn không phải là không có cách. Quan trọng là cán bộ làm công tác này có thực sự tận tâm, lãnh đạo có trách nhiệm hay không mà thôi. Như ở TP. Hạ Long (Quảng Ninh), có rất nhiều dự án, khi tiến hành giải tỏa, đền bù, lãnh đạo TP luôn tổ chức các cuộc đối thoại với dân. Họ lắng nghe dân nói, vướng ở chỗ nào thì quyết tâm gỡ cho được ở chỗ đó. Các phương án đền bù thì công khai, minh bạch trên cổng thông tin điện tử của địa phương để người dân nắm. Nếu có vấn đề gì chưa hợp lý họ sẽ phản ánh kịp thời để chính quyền, các ngành chức năng xử lý, tháo gỡ phù hợp. Thế nên, các dự án trọng điểm gần như đạt tiến độ tốt vì rất ít vướng công tác GPMB.

Có thể thấy, các dự án đầu tư công đạt tiến độ tốt là cách giúp giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch cũng như góp phần hạn chế việc “đội vốn”. Bởi giá nguyên vật liệu, nhân công, giá đất… và các chi phí khác gần như tăng qua các năm. Càng chậm GPMB sẽ càng làm tăng giá trị đền bù và khiến công trình đội vốn. Việc này cũng sẽ dẫn tới tình trạng chây ì khi người dân nhận thấy càng đi sau càng được lợi. Do đó, để công tác GPMB không còn là trở lực của các dự án, cần lắm những giải pháp mang tính thiết thực, hiệu quả. Trong đó, việc đối thoại, lắng nghe dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, công khai, minh bạch các phương án đền bù, tái định cư… sẽ là cách tạo sự đồng thuận tốt nhất để người dân sớm bàn giao mặt bằng và tránh phát sinh kiện tụng.

Bài, ảnh: TÂM HUỆ