Đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận thôn của xã Hương Phú (Nam Đông) phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng |
Phong Xuân là xã vùng gò đồi của huyện Phong Điền. Hiện trên địa bàn xã có 3/11 trưởng thôn là đảng viên, nhưng chỉ có 1/11 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn.
Bí thư Đảng ủy xã Phong Xuân Lê Hoàng Linh thừa nhận, mô hình kiêm nhiệm tạo thuận lợi cho việc triển khai nhiệm vụ tại địa phương đến tận từng người dân và giảm được số người không chuyên trách ở thôn. Thế nhưng, nhiều vấn đề phát sinh ở cơ sở vẫn chưa giải quyết một cách kịp thời.
“Những thôn rộng do sáp nhập nên khi triển khai các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết đến từng hộ dân gặp không ít khó khăn. Một người gánh hai vai, có những lúc cáng đáng công việc không xuể dẫn đến chất lượng, hiệu quả công việc chưa cao”, ông Thái Văn Luyến, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Xuân Điền Lộc, xã Phong Xuân chia sẻ.
Xã Hương Phú (Nam Đông) hiện đang thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã để nhất thể hóa, thuận lợi cho công tác lãnh đạo và điều hành các nhiệm vụ tại địa phương.
“Đây là hai chức danh quan trọng, khối lượng công việc nhiều, chỉ đạo, điều hành rất lớn, nhưng việc tham gia các cuộc họp cấp trên nhiều nên sắp xếp thời gian chỉ đạo, điều hành công việc còn gặp nhiều khó khăn, việc quán xuyến chỉ đạo, bao quát công việc còn hạn chế. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND xã cơ bản thuận lợi. Thế nhưng, do văn phòng cấp ủy là bán chuyên trách nên công việc hành chính của chức danh Phó Bí thư Thường trực nhiều ảnh hưởng đến thời gian tham gia giám sát tại cơ sở”, Bí thư Đảng ủy xã Hương Phú (Nam Đông) Trần Bảo Thắng trao đổi.
Qua thực tế công việc ở cơ sở, nhiều cán bộ kiêm nhiệm chức danh chủ chốt của đảng ủy, UBND xã, phường đều khẳng định, họp hành thường xuyên cũng chiếm khá nhiều thời gian trong việc xử lý công việc hằng ngày. Tuy xử lý trên hệ thống điện tử, nhưng cũng cần thời gian để nghiên cứu, tránh bị nhầm lẫn hoặc bỏ sót việc. Vì vậy, người kiêm nhiệm phải biết cách phân phối, sắp xếp công việc hợp lý.
Bí thư chi bộ làm trưởng thôn vừa là người lãnh đạo, vừa là người tổ chức thực hiện, khối lượng công việc nhiều nên đa số còn lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo chi bộ và điều hành nhiệm vụ. Không ít bí thư kiêm trưởng thôn tuổi cao, sức khỏe yếu…
Khó khăn, tồn tại là thực tế, nhưng vấn đề mấu chốt, quan trọng nhất chính là yếu tố con người. Bí thư kiêm trưởng thôn phải dựa trên thực tế cả mặt Đảng và sự uy tín của người dân. Một bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn không đủ tiêu chuẩn và không được người dân tín nhiệm thì dẫn đến làm việc không hiệu quả.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đông Mai Văn Dũng cho biết, ở một số thôn, với vai trò bí thư chi bộ, có người làm tốt từ việc xây dựng nghị quyết, lãnh đạo triển khai thực hiện, thế nhưng khi trực tiếp triển khai dưới cơ sở lại không mang lại hiệu quả, do không đủ uy tín trước dân. Không ít bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn còn yếu về năng lực, không đủ uy tín dẫn đến dân không bầu làm trưởng thôn. Do vậy, một số chi bộ gặp khó khăn trong công tác lựa chọn nhân sự nên số lượng bí thư chi bộ làm trưởng thôn giảm.
Để phát huy và nhân rộng hiệu quả của các chức danh kiêm nhiệm vẫn phải bắt đầu từ công tác lựa chọn cán bộ. Người làm tốt kiêm nhiệm là người phải có năng lực, đồng thời đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, có phương pháp làm việc khoa học và tâm huyết với nhiệm vụ được giao.
Muốn làm tốt hai vai trước hết phải tâm huyết, nhiệt tình với công việc của chi bộ, của thôn và cần phải có phương pháp làm việc khoa học, tránh lẫn lộn công việc, có như vậy mới chỉ đạo hiệu quả.
Ngoài ra, cán bộ thôn bây giờ cần phải am hiểu công nghệ thông tin. Việc ứng dụng công nghệ thông tin tốt sẽ giúp cho giải quyết công việc rất nhiều. Người kiêm nhiệm không chỉ có năng lực lãnh đạo và quản lý điều hành, am hiểu công tác Đảng, mà phải có kinh nghiệm, uy tín cao trong Đảng, trong dân.
Thực tế cho thấy, muốn nhân rộng và phát huy hiệu quả của các chức danh kiêm nhiệm cần phải có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, xây dựng chiến lược về công tác cán bộ một cách bài bản; quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để bố trí vào các chức danh kiêm nhiệm.
Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích những nhân tố mới có nhiệt huyết, triển vọng, khao khát cống hiến. Cấp ủy các cấp chủ động phương án kết nạp vào Đảng những quần chúng có năng lực, uy tín với dân và có khả năng làm trưởng thôn để thực hiện chủ trương trưởng thôn phải là đảng viên.
Muốn vậy, cấp ủy các cấp cần phải coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ để họ thực sự là những người có đủ các yếu tố để kiêm nhiệm công việc.