leftcenterrightdel
 Tăng tốc ôn tập ở các trường THPT trên địa bàn TP. Huế

Bàn về chuyện học thêm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu, Trần Thanh Dũng cho biết, ngày trước trong trường có nhiều giáo viên dạy thêm, dạy học trò trong vùng có, lên Huế dạy ở các trung tâm cũng nhiều. Có thầy mỗi tháng dạy thêm từ 50 đến 60 triệu đồng nay thì giảm hẳn, không dạy thêm nữa. Theo thầy Dũng, học sinh đã có rất nhiều kênh để tự ôn tập, chẳng hạn, các em mua thẻ học qua các phần mềm trên mạng. Còn nhà trường thì dạy thêm cho các em ngay tại trường từ học sinh lớp 10 đến lớp 12. Các em chủ yếu học 3 môn văn, toán, Anh văn phân đều trong tuần, riêng học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp thì có thể đăng ký học từ 6 đến 9 môn. Tất nhiên, các em học trái buổi với học chính khóa.

Mức học phí được xã hội hóa, nhà trường và gia đình cùng đóng góp để trả công cho giáo viên, nhưng chỉ tầm 30.000 đồng/em/tháng. Cái hay của nhiều trường là không phải dạy đại trà, tùy sức học của mỗi em để có thể đăng ký các lớp học khác nhau. Thầy giáo Huỳnh Trường Thân, Hiệu trưởng Trường THPT Hương Vinh cho hay: Toàn trường có 305 học sinh lớp 12, chia ra 6 lớp xã hội và 2 lớp tự nhiên ôn tập cho các em. Giáo viên sẽ kèm cặp học sinh yếu, trung bình và hướng dẫn học sinh khá, giỏi làm bài tập nâng cao để các em có hứng thú trong học tập.

Em Nguyễn Bảo Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Hương Vinh chia sẻ, em không có điều kiện để học thêm nên em đăng ký học tại trường. Giáo viên định hướng, tư vấn theo nhóm học nên thuận tiện trong việc tiếp thu kiến thức. Quan trọng hơn là được hướng dẫn cách thức ôn tập phù hợp, dễ nhớ.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, những năm gần đây số thí sinh đỗ thủ khoa hoặc đạt điểm cao thường là học sinh ở vùng nông thôn, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Thống kê từ các kỳ thi tuyển sinh hằng năm, đa số thí sinh trúng tuyển đều ở khu vực 2 nông thôn. Đặc biệt, trong top 100 thí sinh có điểm thi cao nhất nước thì phần lớn đến từ những tỉnh nghèo và không ít em có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, rất ít thí sinh ở các thành phố lớn lọt vào danh sách này.

Nguyên nhân được lý giải, do việc ra đề của Bộ không đánh đố và sát với chương trình phổ thông nên học sinh nông thôn chăm chỉ là có cơ hội đạt được điểm cao. Trước đây, khi đề thi ra theo bộ đề thì chỉ những em có điều kiện ôn luyện ở thành phố mới có khả năng đỗ điểm cao. Còn đề thi đại học của Bộ những năm gần đây bám sát kiến thức trong sách giáo khoa cho nên các em không cần luyện thi, chỉ cần tự học và bám sát chương trình ở các môn thuộc khối mình thi là đủ. Hơn nữa, ở những vùng quê xa, học sinh ít bị ảnh hưởng từ nhiều mối quan tâm khác như các em ở các thành phố lớn, chẳng hạn học thêm tiếng Anh, tin học, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí… Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là học trò thành phố không giỏi, nhiều em không chú ý đến việc học sao để trở thành thủ khoa, mà chỉ quan tâm đến chuyện thi đậu vào trường mình yêu thích và không ít em còn có mục đích khác là đi du học.

Đa số học sinh nông thôn, con nhà nghèo có động lực phấn đấu rõ rệt. Các em có sẵn tố chất thông minh thì dù ở quê nếu chịu khó, nỗ lực học tập, bám sát kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa vẫn có thể đạt điểm cao, thậm chí thủ khoa. Hơn nữa, bây giờ điều kiện sống tại các tỉnh cũng không quá khó khăn, lạc hậu, vẫn có một điều kiện tối thiểu để các em tiếp cận kiến thức, thông tin từ internet, báo chí…

Bài, ảnh: HUẾ THU