Đúng vào dịp giải phóng Thừa Thiên Huế, phố đi bộ Hai Bà Trưng được khai trương. Ngay trong tối đầu tiên 26/3, hàng nghìn người dân và du khách đổ về chật kín tuyến đường dài hơn 850m để theo dõi múa lân, quảng diễn đường phố của các đoàn nghệ thuật; tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm văn hóa và thưởng thức đặc sản Huế. Việc đưa phố đi bộ Hai Bà Trưng vào hoạt động hứa hẹn tạo không gian mở, điểm đến mới cho du khách. Đây cũng là cơ hội để thành phố khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh giá trị văn hóa, ẩm thực Huế.

Phố đi bộ được hiểu đơn giản là con phố hoàn toàn dành cho việc đi bộ ở cả lòng đường và vỉa hè, không có phương tiện cơ giới lưu thông. Đó có thể là phố đi bộ chỉ vào cuối tuần hay dịp lễ hội, cũng có thể toàn bộ thời gian, tùy vào tính chất của con đường hay khu vực ấy cũng như mức độ tham gia của cộng đồng. Đó cũng có thể một khu vực có nhiều phố đi bộ nối liền về không gian và liên kết với nhau về chức năng, nhằm tăng cường thêm không gian văn hóa - kinh tế, tăng thêm cơ hội hưởng thụ lợi ích vật chất, tinh thần cho cộng đồng. Hiểu đúng theo nghĩa đó, Huế hiện có 4 phố đi bộ là phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, phố Tây, phố đêm Hoàng thành và phố đi bộ Hai Bà Trưng.

Tôi nhớ khi phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu ra đời, đã có một “slogan” rất Huế và cũng rất ấn tượng, rằng Cố đô đã có được một nơi mà “cái chi cũng có”. Nằm ở bờ nam sông Hương, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu là nơi đi dạo, và thưởng ngoạn cảnh đẹp. Một không gian thoáng đãng gắn với những công viên rộng lớn, đây là nơi thường xuyên được nhiều bạn trẻ tổ chức những buổi giao lưu văn nghệ, biểu diễn nhạc cụ, tổ chức các sự kiện nhảy flashmod, vẽ tranh đường phố, những hoạt động cộng đồng trong các kỳ Festival Huế. Còn nữa, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu là nơi hội tụ những món ăn mang đặc trưng của Huế, cực kỳ ngon và hấp dẫn. 

Là thành phố du lịch, nhưng lâu nay Huế vẫn thường được nhắc đến bằng một danh xưng không mấy vui vẻ “thành phố đi ngủ sớm” khi mà nếu đi ra đường sau 22 giờ, sẽ là một sự tĩnh lặng đến không ngờ. Hơn thế, có người còn chua chát bảo, đáng nói là “ngủ” sớm không phải để thức dậy sớm! Nhắc lại để thấy vui khi được biết tuyến phố đi bộ, bao gồm 3 đường phố Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An và Võ Thị Sáu (còn gọi là phố Tây) khai trương vào mùa thu 2017 hoạt động nhộn nhịp mỗi tối 3 ngày cuối tuần, với đầy đủ các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, đã có lời từ biệt, rằng từ nay Huế sẽ không còn là “thành phố đi ngủ sớm”.

Hướng đến bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho bản thân, người đời khuyên nên “ngủ sớm”. Thế nhưng, lo chuyện cơm áo gạo tiền thì không ai lại không thuộc lòng thành ngữ “thức khuya, dậy sớm”. “Ngủ sớm” và “thức khuya” không chỉ là thói quen sinh hoạt, mà còn là chuyện làm ăn và là một nét văn hóa cộng đồng gắn liền với cả một vùng đất. Theo suy nghĩ của riêng tôi, sự ra đời liên tiếp những phố đi bộ hay phố đêm gần đây ở Huế là cách để người Huế chuyển từ “ngủ sớm” qua “thức khuya”, từ thói quen nhàn nhã qua nếp sống tất bật, tranh thủ thời gian để phô bày “cái chi cũng có”, làm ăn và làm giàu cho cá nhân và cho cả cộng đồng. Nó không thật sự dễ dàng và cũng không quá khó khăn nếu có quyết tâm và hướng phát triển rõ ràng.

ĐÌNH NAM